Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 13/08/2016, 15:56 PM

Nỗi ám ảnh nợ xấu

(NTD) - Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2016, trong đó nổi bật là vấn đề nợ xấu đang có xu hướng tăng so với cuối năm 2015.

Nợ xấu vẫn đeo bám

Theo báo cáo tài chính quý 2/2016 mà các ngân hàng vừa công bố, tỷ lệ nợ xấu của không ít ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng lớn, tăng so với cuối năm 2015. Thống kê tỷ lệ nợ xấu tại 9 ngân hàng TMCP đang niêm yết trên thị trường vào cuối tháng 6/2016, cả 9 ngân hàng này đã ôm hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015.

bidv
Hết quý 2/2016, BIDV đang dẫn đầu nợ xấu theo số tuyệt đối, 13.183 tỷ đồng.

Dẫn đầu về dư nợ cho vay, song Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đang dẫn đầu về tổng nợ xấu tính đến cuối quý 2/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), có tới 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ, trở thành ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu vượt mốc 3% trong số các ngân hàng công khai minh bạch nợ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), một ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, cũng có nợ xấu tăng mạnh, từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%. Mặc dù không thuyết minh nợ xấu ở báo cáo hợp nhất, nhưng theo báo cáo riêng lẻ thì đến cuối quý 2/2016, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tăng từ 2.261 tỷ đồng lên 3.113 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 1,7% lên 2,2%.

Tỷ lệ nợ xấu ở vài ngân hàng không tăng hoặc thậm chí giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng cao, nhưng con số tuyệt đối lại tăng lên trong nửa đầu năm nay. Điển hình là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nợ xấu đã giảm từ mức 1,8% cuối năm ngoái xuống 1,7% nhưng số tuyệt đối thì nợ xấu đã tăng từ mức 7.136 tỷ đồng lên mức 7.470 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 4.676 tỷ đồng.

Tương tự, nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng từ 4.911 tỷ đồng lên 5.366 tỷ đồng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở nhà băng này vẫn duy trì ở mức 0,9%. Điểm sáng duy nhất đến thời điểm hiện tại thuộc về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ mốc 1,6% (1.949 tỷ đồng) còn 1,3% (1.883 tỷ đồng) vào cuối tháng 6. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,31% tại thời điểm đầu năm xuống còn 1,24% tính đến cuối tháng 6/2016.

Thách thức lớn

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng, thậm chí tăng mạnh ở một số ngân hàng trong nửa đầu năm nay là do các ngân hàng đang phải trả nợ cho quá khứ. Một nguyên nhân nữa khiến nợ xấu tăng cao một phần là do trong nửa đầu năm nay lượng nợ xấu chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) rất hạn chế. Nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng đang dần thực chất hơn, thay vì tiếp tục chuyển từ túi này sang túi khác.

Việc bán nợ cho VAMC cũng chỉ giúp làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Mặc dù nợ xấu được đưa ra ngoại bảng, thay thế bằng trái phiếu đặc biệt thì các ngân hàng vẫn phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro hàng năm. Ngân hàng nào bán nợ càng nhiều thì chi phí trích lập sẽ càng lớn và phần chi phí trích lập này tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng.

Trong báo cáo tại Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của cơ quan này trong 6 tháng cuối năm, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Các ngân hàng cũng nhìn nhận, việc xử lý, thu hồi nợ xấu vẫn là thách thức lớn trong thời gian tới. Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh với hàng loạt ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành Thông tư 08/2016 cho phép các ngân hàng được gia hạn kỳ hạn trái phiếu đặc biệt từ 5 năm lên 10 năm, nhằm giãn thời gian trích lập dự phòng, tránh trường hợp một tổ chức tín dụng có thể bị lỗ vì phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt quá lớn.

Để việc xử lý nợ xấu đi vào đúng thực chất, những tháng cuối năm, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng TMCP yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng cảnh báo kịp thời với những lĩnh vực tín dụng rủi ro như tín dụng bất động sản hoặc cơ cấu tín dụng vào tín dụng trung và dài hạn; mở rộng tín dụng nhưng vẫn hiệu quả và bảo đảm an toàn của hệ thống.

NTD So 63 (252)_Page_10
 

Vân Lam

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.