Chủ nhật, 23/10/2016, 13:05 PM

Ngập nước, tiếng ồn, ô nhiễm đe dọa cuộc sống tốt đẹp của cư dân Sài Gòn: “Tiếng ồn”, kẻ sát nhân giấu mặt

(NTD) - Người dân và chính quyền TP.HCM đang chú ý đến Đa Phước, “quả bom rác” hằng ngày hủy hoại môi trường và đe dọa nghiêm trọng đời sống của cư dân Nam Sài Gòn. Đã có những phương án, chế tài được lãnh đạo thành phố đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên.

Điều đó chứng minh mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội dành cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng các nghiên cứu mới đây về môi trường chỉ ra rằng: Bên cạnh các yếu tố “hữu hình” như nguồn nước thải, chất thải, khí thải... thì “tiếng ồn” đang là mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe của gần 10 triệu dân thành phố.

61
Các siêu thị đua nhau đưa hệ thống loa công suất lớn ra hẳn ngoài đường để dập nhạc liên hồi, gây ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

“Lạnh” người trước những con số thống kê vượt mức cho phép

Từ những con số thống kê, các nghiên cứu khoa học và ý kiến bức xúc của người dân xung quan vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, có thể thấy, công tác bảo vệ môi trường cần thực hiện một cách tổng thể, bao quát chứ không riêng về nước thải, khí thải, chất thải... nhằm đảm bảo tiêu chí xanh - sạch - đẹp mà thành phố đã đề ra. Trước mắt là đê ra những biện pháp phù hợp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và xây dựng chế tài phù hợp để xử lí triệt để các trường hợp vi phạm.

Theo các chuyên gia về y tế, “tiếng ồn” có tác hại lớn cả về sinh lý, tâm lý và xã hội. Về sinh lý, khi vượt mức độ cho phép, tiếng ồn có thể gây thương tích tai, làm điếc, các bệnh lý về tim mạch, huyết áp và một số bệnh mãn tính khác. Về tâm lý, sống trong môi trường tiếng ồn nhiều, mức độ lớn sẽ gây stress, căng thẳng thần kinh, dễ cáu, nóng nảy, hung hăng, dễ bị kích động. Riêng về mặt xã hội, ở trong tiếng ồn khiến con người hay phán đoán, nghi ngờ, lo sợ trước người khác và bất lợi trong giao tiếp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngà, chuyên viên khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nguyễn Trãi lý giải: Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến thính giác. Khi vượt mức độ cho phép, tiếng ồn gây thương tích tai, gây điếc. Trong môi trường ồn, ta dễ bị bệnh về giấc ngủ (không ngủ được, cấu trúc của giấc ngủ bị rối loạn). Sống trong tiếng ồn, có thể bị đau đầu, lâu dần thành bệnh kinh niên, mất khả năng làm việc, hay ít nhất là mất giá trị sống.

Căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, đối với khu vực đặc biệt (là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác), mức độ tiếng ồn cho phép từ 6-21h là 55 dB, từ 21-6h sáng hôm sau là 45 dB. Còn đối với khu vực thông thường, chẳng hạn khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... thì từ 6-21h là 70 dB, từ 21-6h sáng là 55 dB. Quy chuẩn là thế, nhưng khi tiến hành đo đạc thì hầu hết đều vượt mức cho phép gấp nhiều lần. Trong đó, bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh nhất thì lại là nơi chịu ảnh hưởng tiếng ồn nhiều nhất.

Gần đây nhất, trong một nghiên cứu về tiếng ồn, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn nhiều nhất tại TP.HCM chính là tiếng ồn giao thông, bởi thành phố có lưu lượng xe cộ quá đông đúc và vẫn đang tiếp tục tăng thêm 10% mỗi năm.

Tại các nút giao thông: Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư An Sương, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã sáu Dân Chủ, ngã sáu Phù Đổng và cả các tuyến đường chính trong nội thành dù ngày hay đêm tiếng ồn đều vượt xa giới hạn cho phép.

Từ năm 2009 đến nay, bên cạnh tiếng ồn từ giao thông, người dân thành phố còn phải gánh chịu một lượng lớn tiếng ồn từ hệ thống loa công suất lớn phát nhạc và quảng cáo ngoài trời tại các siêu thị, cửa hàng, tụ điểm ca nhạc... Ngoài ra, tiếng ồn phát ra từ hoạt động khoan, cắt, hàn, tiện... kim loại là một yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng nhất.

63
Tiếng ồn từ hoạt động khoan, cắt, hàn, tiện kim loại được cho là nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người.

Người dân lên tiếng

Riêng về tiếng ồn do khoan, cắt, hàn, tiện... kim loại thủ công tại các công ty, xí nghiệp và đặc biệt là hộ sản xuất cá nhân, nhỏ lẻ là một tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thành phố. Và, cần phải khẳng định rằng, tác hại của tiếng ồn phát ra từ hoạt động khoan, cắt, hàn, tiện là nghiêm trọng nhất. Có đến hơn 60% số người hành nghề này mắc phải các bệnh về tai.

Anh Nguyễn Văn Lâm (30 tuổi, ngụ Thủ Đức) cho biết: “Nhiều người dân bây giờ ý thức kém quá, giờ cao điểm xe đông mà cứ chen lấn, rồi bóp còi inh ỏi rất khó chịu. Có người bóp kèn suốt không nhả ra, khó chịu vô cùng. Mình đi bị kẹt xe, tiếng động cơ thôi nghe đã khổ, nghe thêm tiếng kèn có lúc mình ức chế luôn!”.

“Nhà mình có em bé mới 8 tháng, ban ngày buôn bán người ra kẻ vào ồn ào nên bé khó ngủ, đến đêm hết tiếng người ồn ào thì tới lượt xe ben làm loạn. 1-2h sáng chạy như chốn không người, nối đuôi nhau thấy mà sợ. Rồi dí nhau, chen lấn bóp kèn không chịu được. Vừa êm êm, bé thiếp đi thì ào ào tới, hoặc bóp kèn hơi 1 cái, người lớn còn giật mình huống chi em bé. Giật mình thì bắt đầu nó khóc, khổ lắm! Có khi cả đêm không ngủ sáng ra người vật vờ, tội bé nữa” - chị Nguyễn Thị Thái (36 tuổi, đường Trường Chinh) bức xúc nói.

Ông Nguyễn Văn Vũ (72 tuổi, ngụ Âu Cơ, Tân Phú) cho phóng viên (PV) hay: Nhà ông ở gần 1 siêu thị điện máy trên đường Âu Cơ, từ 10-21h giờ trừ những lúc mưa lớn, gần như không khi nào ngớt tiếng nhạc xập xình. 6 loa công suất lớn được sử dụng mở nhạc dance, rồi đọc thông báo khuyến mãi suốt ngày khiến ông hết sức bất bình. “Quảng cáo thì có nhiều loại hình, mình sống ở khu đông dân cư thì phải nghĩ đến người khác. Mở vừa phải hoặc tìm phương án khác, chứ cứ phát đùng đùng như thế ai chịu nổi. Các anh kinh doanh là chuyện các anh, nhưng các anh làm như vậy thì người dân chỉ có chết dần, chết mòn theo các anh” - ông Vũ nói thêm. Các hộ dân sống gần khu vực siêu thị, cửa hàng có đặt loa công suất lớn để phát nhạc hoặc quảng cáo, hầu hết đều phàn nàn, bức xúc về tình trạng này.

Người dân còn cho biết vào các ngày lễ hoặc cuối tuần, các siêu thị, cửa hàng thậm chí còn mang sân khấu để hẳn ra đường để tổ chức ca nhạc, thu hút người dân hiếu kỳ dừng xe lại theo dõi, la ó khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng và cảnh tượng nhốn nháo rất thiếu văn minh.

Ngoài ra, tiếng ồn từ hoạt động khoan, cắt, hàn tiện... kim loại cũng là tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn. Anh Trần Văn Ở (22 tuổi) thợ hàn tiện của một xưởng sản xuất tủ nhôm H.T trên đường Phan Huy Ích, Gò Vấp chia sẻ: “Thật sự vì chén cơm mình phải làm, chứ độc hại lắm. Hằng ngày hít toàn khí độc với nghe tiếng ồn quá về nhà lùng bùng khó chịu lắm. Chắc chắn là tai mình không thính như trước được, chưa tính bệnh sau này nữa. Điều này trong nghề ai cũng biết”.

Không dừng lại ở đó, những âm thanh kinh hãi này còn bao trùm lên các nhà lân cận. Những người có nhà lân cận xưởng sản xuất H.T như hộ ông Lê Văn Triều, Đoàn Khán và bà Kim Cúc đều phản ánh tiếng ồn phát ra từ xưởng này ảnh hưởng đến gia đình mình, và hàng xóm rất nhiều.

59
 
60
Lưu lượng xe cộ nhiều và ý thức người tham gia giao thông kém là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn.
62
Để hút khách người bán hàng rong cũng sử dụng loa di động khiến âm thanh chồng chéo, hỗn loạn ở khắp nơi.

Décibel (dB) là đơn vị đo tiếng ồn.

- 10-20 dB: Gió vi vu qua lá cây được xem là trạng thái yên tĩnh.

- 30 dB: Thì thầm (trong phòng ngủ).

- 40 dB: Tiếng nói chuyện bình thường.

- 50 dB: Tiếng máy giặt, ồn ở siêu thị, có gây phiền nhưng còn chịu được.

- 55-80 dB: Động cơ xe hơi, xe máy, gây khó chịu, mệt mỏi.

- 80-85 dB: Máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ, làm rất khó chịu.

- 90-100 dB: Phát ra ở công trường xây dựng, ồn ở mức nguy hiểm.

- 120-140 dB: Máy bay lúc cất cánh, ồn quá lớn gây tổn thương tâm trí.

 Võ Nguyễn - Nguyễn Quốc - Ảnh: Võ Nguyễn - Tuấn Vương

NTD_So_71_23
 

 

Bình luận

Nổi bật

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:24

(CL&CS) - Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn;...