Thứ tư, 08/11/2023, 08:02 AM

Ngắn gọn, thẳng thắn, trách nhiệm

Không ngoài dự đoán, 3 trên tổng số 6 “tư lệnh ngành” nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu trong phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực thứ tư về văn hóa và xã hội, là y tế - giáo dục và đào tạo - thông tin và truyền thông. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận được 6 câu hỏi; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng nhận được 5 câu hỏi.

Điều này phần nào cho thấy, diễn biến của nghị trường đã phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống khi mà bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, thì cả 3 lĩnh vực nêu trên cũng đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi và kỳ vọng cao hơn từ phía các đại biểu cũng như cử tri và Nhân dân cả nước.

Sẽ thể chế hóa trong một nghị định dự kiến ký trong quý IV.2023

Đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả rất đáng ghi nhận của ngành thông tin và truyền thông, đặc biệt là đột phá trong làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, như Facebook, Google, Youtube... để yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cẩm nang nhận diện và xử lý thông tin giả cho người sử dụng, song ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên facebook và có danh tính xác thực rất có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân, nhưng chưa được cấp tài khoản có tính chính thống.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) chất vấn. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hỗ trợ, định hướng và chính thống hóa các trang này nhằm bảo đảm an toàn, tránh rủi ro, mất kiểm soát điều hành trong khi hoạt động trang cũng như tính chịu trách nhiệm của các trang này đối với xã hội?” - đại biểu Võ Thị Minh Sinh chất vấn.

Dẫn ví dụ về việc một số nền tảng mạng xã hội đã có sẵn và hỗ trợ chức năng khẳng định tính chính thống, chính danh, như Facebook cấp “tích xanh” khi người dùng cung cấp đầy đủ thông tin và được xác thực, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, “chưa phải tất cả các mạng xã hội đều có chức năng này”. Chính vì thế, “gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với một số mạng xã hội để phát triển chức năng này, “cơ bản đến hết năm nay các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ đều có”. Và, “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa việc này trong một nghị định dự kiến sẽ ký trong quý IV.2023 là Nghị định 12 về nội dung trên internet”, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (Lai Châu) chất vấn
Đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (Lai Châu) chất vấn

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý trên không gian mạng, trả lời câu hỏi của ĐBQH Tao Văn Giót (Lai Châu) về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ rõ, “cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới”. Vừa qua, chúng ta đã đạt được một cơ chế làm việc với các mạng xã hội về chuyện tháo gỡ các thông tin sai sự thật, quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc và đã thể chế hóa trong các văn bản pháp luật. Với nỗ lực đó, hiện nay, tỷ lệ thực thi các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội, trong đó có cả các mạng xã hội xuyên biên giới là rất nghiêm, nhưng vấn đề là chúng ta phải phát hiện và phải báo cáo để tháo gỡ, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Hiện nay, “các bộ, ngành, các địa phương của chúng ta lên không gian mạng chưa nhiều và nhiều lúc cứ nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc của Bộ Công an”. Cho rằng cần thay đổi nhận thức này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn: “Chúng ta xác định trách nhiệm của bộ, ngành mình, của địa phương mình trong thế giới thực như thế nào thì lên mạng cũng như thế. Và, trong quá trình thực thi gặp bất kỳ khó khăn gì về việc tháo gỡ thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật thì gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về việc có cần thay đổi lại tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào 10 và xét tốt nghiệp THPT hay không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì bậc THCS được thiết kế là giai đoạn giáo dục mang tính cơ bản, nền tảng, tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông, còn trong chương trình bậc THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng, hướng nghiệp và tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở bậc THCS cũng cơ bản đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu như trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi, thì cũng là câu chuyện rất nặng đối với học sinh, dư luận xã hội, phụ huynh; và, bản thân ngành giáo dục cũng thấy cần giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS để chuyển sang THPT. Khi kết thúc THPT dẫu đã là giai đoạn phân luồng, hướng nghiệp, song cũng là trong phạm vi của giáo dục phổ thông và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, thì việc có một kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết. Điều này đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019.

Mục đích và bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để tốt nghiệp phổ thông, tuy nhiên trong thực tế đây còn là một kết quả dùng cho việc đánh giá kết quả học tập, là căn cứ để các trường đại học có thể sử dụng cho việc tuyển sinh đại học. “Với một số mục đích như vậy, cho nên kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đang được tổ chức và sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới”, Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến câu hỏi của ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) về Nghị định 116 ban hành năm 2020 (quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, đúng là Nghị định 116 đã bộc lộ một số điểm vướng mắc trong quá trình thực hiện, như quy định về đặt hàng của các địa phương cũng như việc đấu thầu của các trường đại học và một vài vướng mắc khác. “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm nhận thấy một số vướng mắc trong Nghị định này và đề xuất với Chính phủ cho phép điều chỉnh Nghị định 116. Và đến thời điểm này, việc điều chỉnh Nghị định 116 đã được lấy ý kiến xã hội và đang trong giai đoạn hoàn tất để có thể ban hành sớm nhất trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Nội dung chất vấn của nhóm lĩnh vực văn hóa và xã hội liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết thuộc trách nhiệm của 6 Bộ: Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông. Theo chương trình, cuối phiên chất vấn về nhóm lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ tham gia giải trình, làm rõ hơn những vấn đề đại biểu nêu.

Trong phiên chất vấn chiều nay, 7.11, tất cả 6 Bộ trưởng đều đã đăng đàn trả lời các chất vấn của đại biểu. Ngắn gọn, thẳng thắn và trách nhiệm, các trả lời của Bộ trưởng đều đi đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu. Sáng mai, 8.11, quỹ thời gian dành cho nhóm lĩnh vực văn hóa và xã hội vẫn còn 1 tiếng 30 phút nữa. Kết thúc phiên chất vấn chiều qua, đã có thêm 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và đang chờ phần trả lời của các Bộ trưởng.

Đó là ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tại sao việc thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 còn chậm? Bộ đã và đang thực hiện giải pháp gì để khắc phục và đến khi nào thì khắc phục được tình trạng trên?

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm liên quan đến tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng và thuốc quá mức và không cần thiết trong khám, chữa bệnh, gây tốn kém cho người dân, nhất là người nghèo; và đâu là giải pháp căn cơ để khắc phục?

Và, ĐBQH Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về giải pháp giải quyết việc thủ tục hành chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kể cả thanh, quyết toán còn quá nhiều rườm rà, nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan, địa phương, đơn vị? Vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các công trường xây dựng?

Anh Phương

Bình luận

Nổi bật

Tiếp cận, áp dụng ISO 45001:2018 - doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực

Tiếp cận, áp dụng ISO 45001:2018 - doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:12

(CL&CS) - Để hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, các doanh nghiệp ngày càng đầu tư, chú trọng vào việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, thể hiện rõ nét nhất là việc áp dụng Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

TCVN 5603:2023 góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng uy tín doanh nghiệp

TCVN 5603:2023 góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng uy tín doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:28

(CL&CS) - Sự ra đời của TCVN 5603:2023 giúp nâng cao chất lượng và sự an toàn của sản phẩm cung cấp ra thị trường, đồng thời góp phần tích cực vào tăng uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp.

Áp dụng hiệu quả ISO 9001 – tránh sự chồng chéo, rút ngắn thời gian giải quyết công việc hành chính

Áp dụng hiệu quả ISO 9001 – tránh sự chồng chéo, rút ngắn thời gian giải quyết công việc hành chính

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:25

(CL&CS) - Việc triển khai áp dụng ISO 9001 vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước giúp vận hành cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiệu quả hơn, nhất là khâu phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tránh sự chồng chéo, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đảm bảo đúng luật, nâng cao mức độ hài lòng của người dân…