Lợi nhuận của doanh nghiệp dược phân hóa trong quý đầu năm

(CL&CS) - Trong khi một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục thì nhiều doanh nghiệp khác lại báo lãi giảm sâu, thậm chí thua lỗ trong quý đầu năm.

Bức tranh lợi nhuận quý 1/2023 vẫn khá sáng sủa với nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao. (Ảnh minh họa)

Bức tranh lợi nhuận quý 1/2023 vẫn khá sáng sủa với nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao. (Ảnh minh họa)

Bức tranh lợi nhuận quý 1/2023 khá sáng sủa với nhiều doanh nghiệp ngành dược khi đạt mức tăng trưởng cao, trong đó, có Công ty CP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) cũng có một quý thành công với khoản lãi đậm nhất trong gần 20 năm.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 1.229 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ. Nhờ chi phí giá vốn tăng ít hơn mức tăng doanh thu, biên lãi gộp được cải thiện lên 50%. Lợi nhuận gộp đạt 614 tỷ đồng, tăng 22% so với quý 1/2022.

 Khấu trừ các chi phí khác, Dược Hậu Giang báo lãi sau thuế đạt 361 tỷ đồng tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục ghi nhận trong 1 quý kể từ khi đi vào hoạt động.

Theo giải trình, DHG đã tập trung bán các sản phẩm chủ lực và chiến lược, đặc biệt là kháng sinh, giảm đau, hạ sốt… Doanh thu hàng do công ty sản xuất đạt mức tăng trưởng 21%. Biên lợi nhuận cải thiện nhờ chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với 391 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu, 25% kế hoạch lợi nhuận

Là doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng mạnh nhất quý 1/2023, CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 Hà Nội (mã: DTP) ghi nhận doanh thu thuần tăng 95% lên gần 234 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 99% lên 119 tỷ đồng, biên lợi nhuận lên gần 51%.

 Mặc dù các chi phí đều tăng, lợi nhuận trước thuế của DTP vẫn đạt hơn 44 tỷ đồng, tăng 551% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, tăng 576%.

Công ty cho biết năm 2023, nhiều sản phẩm mới được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường, đồng thời dịch Covid được đẩy lùi và kiểm soát chặt chẽ dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng.

Hai doanh nghiệp khác cũng có mức tăng trưởng 3 chữ số đó là CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (mã: PBC) và Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (mã: DVN).

Trong đó, PBC ghi nhận doanh thu thuần tăng 51%, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế công ty tăng 480% lên gần 24 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm, DVN gây chú ý khi là doanh nghiệp dược trên sàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh nhất (147%) so với cùng kỳ, đạt 111 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính của công ty. Doanh thu bán hàng tăng, doanh thu tài chính tăng (chủ yếu là phần cổ tức được chia tăng) và các chi phí được tiết giảm đáng kể so với quý 1/2022 đã giúp lợi nhuận công ty tăng đột biến.

Đối với Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã: DBD), trong quý đầu năm nay, nhờ thay đổi cơ cấu kinh doanh và đẩy mạnh các mặt hàng dược phẩm do Công ty sản xuất nên kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể. Tổng doanh thu bán hàng dược phẩm sản xuất quý 1 tăng 15%. Lãi ròng quý 1 đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng trưởng gần 34% so cùng kỳ năm trước.

Nhiều công ty khác như CTCP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT), Dược Danapha (UPCoM: DAN) cũng đạt tăng trưởng lợi nhuận 30% trong quý đầu năm - mức tăng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ngược lại với bức tranh tích cực của ngành, một số doanh nghiệp dược phẩm báo lãi giảm.

Đơn cử như Công ty CP Traphaco (HNX: TRA) ghi nhận lợi nhuận quý 1 giảm 12%, xuống còn 73 tỷ đồng. Doanh thu duy trì tương đương và biên lợi nhuận gộp của Traphaco có sự cải thiện so với quý 1/2022. Song, chi phí bán hàng tăng 19%, lên 171 tỷ đồng, chủ yếu tăng trong hạng mục quảng cáo và chi phí bán hàng khác, đã kéo lợi nhuận giảm.

Traphaco là "ông lớn" trong lĩnh vực đông dược. Các năm gần đây đơn vị đã phát triển mảng ngoài đông dược. Năm 2022, đông dược chiếm 63% tổng doanh thu và ngoài đông dược chiếm 37%.

Nhìn chung, doanh thu của phần lớn doanh nghiệp dược đều tăng trưởng hoặc giảm một chữ số so với cùng kỳ năm trước. Riêng trường hợp Công ty CP Dược phẩm OPC (HoSE: OPC) và CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (HoSE: MKP) giảm gần phân nửa.

OPC báo cáo doanh thu quý 1 đạt 198 tỷ đồng, giảm 48% so với nền cao cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất trong 7 quý gần nhất. Doanh nghiệp lý giải do khó khăn chung của thị trường. Doanh thu giảm kéo theo lợi nhuận giảm 28%, xuống còn 29 tỷ đồng. Mức giảm thấp hơn doanh thu nhờ chi phí bán hàng giảm.

Còn Hóa - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) công bố doanh thu quý 1 giảm 45%, xuống mức 236 tỷ đồng; lợi nhuận ròng giảm 80%, xuống 4.5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý 1 năm trước công ty đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhờ triển khai một số mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.

Riêng Công ty CP Dược Phẩm Lâm Đồng (Ladophar- HNX: LDP) lỗ quý đầu năm. Theo báo cáo tài chính, doanh thu trong kỳ của LDP giảm gần 14%, lợi nhuận gộp giảm 34%, doanh thu tài chính cũng chỉ đạt 145 triệu đồng trong khi năm ngoái gần 1,5 tỷ đồng. Các chi phí lại đều tăng, khiến cho LDP lỗ 6,4 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích về ngành dược của SSI Research hồi tháng 1, đơn vị phân tích dự báo, tăng trưởng của ngành dược sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Trong đó, doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.

SSI Research cho rằng, bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:37

(CL&CS)- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc.

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:09

(CL&CS) - Trong 34 năm, Saigon Co.op không ngừng phát triển và đổi mới liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu, mang đến chất lượng và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.