Tin - Ảnh
Thứ hai, 04/03/2024, 08:18 AM

Khát vọng của Việt Nam trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán là bước đi chiến lược

(CL&CS) - Nhận định về mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng.

Mục tiêu nâng hạng TTCK phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế. Ảnh: Internet

Mục tiêu nâng hạng TTCK phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế. Ảnh: Internet

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 mới được tổ chức, ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1726/QĐ-CP về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030.

Ông Ketut Ariadi Kusuma cho biết, WB vui mừng khi thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường thông qua việc Chiến lược được soạn thảo kỹ càng và có kế hoạch thực hiện chi tiết cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng hạng thị trường, đồng thời bày tỏ WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực thi các giải pháp nâng hạng TTCK.

“Khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045”, ông Ketut Ariadi Kusuma nói.

Chuyên gia WB cho biết, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hằng năm khoảng 5,95% trong hai thập kỷ tới, có nghĩa là mức tăng trưởng thực tế phải cao hơn mức này vì phải tính đến tốc độ tăng dân số.

Mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế.

Cụ thể, TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6 triệu tỷ đồng (tương đương 247 tỷ USD) (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, điều này càng nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Theo ông Ariadi Kusuma, hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

“Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam vốn được coi là có khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa với quy mô và tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam”, ông Ariadi Kusuma nhấn mạnh.

Chuyên gia WB cho biết, WB ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho đến năm 2030. Điều này sẽ có được nếu VIệt Nam đáp ứng được một số điều kiện quan trọng.

“Thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Chúng tôi đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước, tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI”, chuyên gia WB lưu ý.

Thứ hai, cần xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục cổ phần hóa các DNNN lớn. Giải pháp để thực hiện bao gồm: cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD. Nhưng nếu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết hoàn toàn, thì điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD.

Thứ ba, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8-12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.

Chuyên gia WB cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội là chìa khóa.

Theo phân tích, việc đa dạng hóa đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội vào chứng khoán doanh nghiệp không chỉ giúp quỹ đầu tư hiệu quả hơn về lâu dài mà còn mở rộng cơ sở nhà đầu tư và giúp ổn định và phát triển thị trường vốn trong nước. Một khoản phân bổ khiêm tốn vào chứng khoán doanh nghiệp của quỹ bảo hiểm xã hội có thể đồng nghĩa với việc có thêm hàng tỷ USD tài trợ cho khu vực doanh nghiệp. Những cải cách tổng thể trong lĩnh vực lương hưu có thể mang lại khoản đầu tư mới lên tới 25 tỷ USD vào khu vực doanh nghiệp vào năm 2030.

Hơn nữa, những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư, nếu được thực hiện đúng cách, có thể mang lại thêm 28 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn.

Tổng cộng theo ước tính của WB, tiềm năng huy động vốn mới cho thị trường vốn là 78 tỷ USD.

Cũng theo ông Ariadi Kusuma, nhu cầu đầu tư ngày càng tăng ở Việt Nam cần phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy...

Điều này nhằm đảm bảo rằng các khoản đầu tư tài trợ mới vào TTCK sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hoạt động hiệu quả đang cần vốn để tăng trưởng như tái cấp vốn cho ngân hàng, các dự án cơ sở hạ tầng hoặc các ngành công nghiệp đổi mới.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Công cụ TPM giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động

Công cụ TPM giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17

(CL&CS) - Khi doanh nghiệp kiên trì áp dụng TPM (nâng cao hiệu suất tổng thể) thì sẽ đạt được các mục tiêu quan trọng về năng suất (quản lý hệ thống sản xuất, kế hoạch sản xuất và thay thế phụ tùng, theo dõi các chỉ tiêu một cách chi tiết); Chất lượng sản phẩm chất lượng ngày càng cao; giảm chi phí phát sinh xuống mức thấp nhất; giao hàng nhanh nhất; nâng cao tinh thần làm việc của công nhân viên; Tạo dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, tích cực...

Tuyên dương 60 thầy, cô giáo tiêu biểu đang dạy  ở vùng sâu, vùng xa

Tuyên dương 60 thầy, cô giáo tiêu biểu đang dạy ở vùng sâu, vùng xa

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:02

( CL&CS)- Chiều ngày 14/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp mặt và tặng Bằng khen cho 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu.

Lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:45

(CL&CS) - Vừa qua, Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư và Chương trình xét, công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024 được diễn ra tại Hà Nội.