Dữ liệu cũ
Thứ năm, 05/09/2019, 09:51 AM

Hộp bánh trung thu đã lệch lạc với truyền thống?

(NTD) - Đã bước vào mùa Trung thu rằm tháng Tám âm lịch, tức ngày Tết của thiếu nhi (Tết Nhi đồng) hằng năm. Ngày nhỏ, khi còn ở bậc Tiểu học, khi đến rằm Trung thu vào đêm 14-15 tháng Tám âm lịch lứa tuổi học sinh chúng tôi được thầy cô tổ chức một buổi “rước đèn” trung thu từ trường, đi hết đường làng rồi quay về lớp học. Trên tay mỗi đứa cầm chiếc đèn trung thu tự mình làm bằng khung tre, bọc giấy “kiếng” nhiều màu sắc, đủ loại hình con thú: Gà, thỏ, tôm, cá, ngôi sao...

Đứa nào khéo tay thì dùng sơn vẽ lên các loại hoa văn trang trí đẹp mắt, thậm chí không có tiền mua sơn thì dùng vôi ăn trầu của bà, vôi trắng và vôi đỏ làm chất liệu để trang trí cho chiếc đèn trung thu của mình. Học sinh cả trường, xếp hàng theo từng lớp, mỗi lớp thành một đoàn, đèn thắp nến lung linh, diễu hành trong đêm hội thật vui và thật rộn ràng như quãng đời thơ ấu. Những đoàn học sinh “ trong lúc tuổi còn thơ” tay cầm đèn trung thu, vừa đi dưới ánh trăng đêm rằm, vừa hát ca những bài hát thiếu nhi đã để lại ấn tượng đẹp, nhiều ý nghĩa, đầy rung động cho tới tận bây giờ.

Điều đặc biệt là khi đoàn diễu hành quay về lớp, được vui liên hoan, ăn cỗ Trung thu với những chiếc bánh trung thu rẻ tiền, quê mùa bày ra trên mặt bàn học đơn sơ nhưng rất ngon, rất vui... trong khi chờ đợi thầy, cô chấm điểm xem chiếc đèn trung thu của “trò nào” đẹp nhất với các giải thưởng nhất, nhì, ba, tư... phần thưởng cũng rất đơn sơ nhưng lại cực kỳ hào hứng, hồi hộp.

Những chiếc đèn trung thu nào cầu kỳ, đẹp theo kiểu mua ở chợ sẽ bị phát hiện, những chiếc đèn nào được người lớn làm cho, khéo tay hơn, đẹp hơn cũng bị loại ra ngay vòng đầu. Chỉ những chiếc đèn nào do chính tay học sinh tự làm mới được dự thi, được chấm điểm. Thế nên mỗi mùa Trung thu đến với tuổi thơ tôi là cả sự háo hức, mong chờ, dù rằng chưa bao giờ đèn tôi làm được giải, dù là giải khuyến khích. Nhưng hình ảnh của đêm hội Trung thu, ngày Tết Nhi đồng ngày xưa đã thật sự lung linh, thật sự đẹp, vẫn mãi ấn tượng, không phai mờ.

Bây giờ, ngày Tết Nhi đồng đối với trẻ con thời hiện đại chắc chắn không có những đêm hội vui như thế. Bánh trái ngon hơn, giá cao ngất ngưỡng, những chiếc đèn trung thu hình con cá, con gà, con bướm, con thỏ, ông sao... đã không còn mà thay vào đó là những chiếc máy bay, xe tăng, đèn kéo quân hiện đại, chạy bằng pin, mẫu mã sang trọng, đẹp rực rỡ sắc màu được cha mẹ mua cho chứ chẳng đứa trẻ con nào bỏ công sức ra tự làm.

Do đó ý nghĩa của đêm hội Trung thu cũng mất dần đi, mâm cỗ Trung thu đầy ắp bánh trái, thịt thà nhưng gia đình nào cũng rất vội, trẻ con quên trò chơi rước đèn, sự tích “cây đa, chú cuội” trở nên mơ hồ với những trò chơi trực tuyến game oline hấp dẫn, thậm chí bạo lực, đâm chém, bắn giết nhau ì xèo, máu me khiếp đảm. Do đó “văn hóa Trung thu” hay cụ thể hơn là “văn hóa bánh trung thu” cũng hoàn toàn khác hẳn, nó không còn mang tính truyền thống tinh thần nữa mà rõ nét hơn của một xã hội phát triển theo kinh tế thị trường.

Những chiếc bánh trung thu bây giờ chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp mắt, hoa văn cầu kỳ, nhân bánh đã tới mức cao lương mỹ vị, bào ngư vi cá. Một hộp bánh trung thu có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng, thậm chí đến 4-5 triệu đồng kèm thêm chai rượu Tây như Henessy, Chivas, có loại tới 21 năm kèm bộ bình trà gồm ấm, tách... Như thế, Trung thu đã không còn của trẻ con mà trở thành ngày của lễ vật, mà chủ nhân của ngày Tết Nhi đồng không phải của trẻ con nữa mà đích thị là của người lớn.

Bánh trung thu cũng thế, làm ra đã không còn cho trẻ con ăn nữa mà để cho cha mẹ mua làm lễ vật, biếu tặng với mục đích cầu thân, ngoại giao, tất nhiên ý nghĩa đằng sau những hộp bánh trung thu giá 4-5 triệu đồng kèm rượu Tây hoặc thậm chí có “dát vàng” không còn dừng lại ở mức tình cảm mà mang ý nghĩa của vật chất để mưu cầu lợi danh, đề bạt, chạy “ghế”. Một hộp bánh trung thu bây giờ giá thấp nhất cũng khoảng 5 trăm ngàn đến cả triệu đồng, chất lượng hơn, “cầu kỳ” hơn, có giá đến 14-15 triệu đồng... thậm chí 20-30 triệu đồng.

Một khi “văn hóa bánh trung thu” đã đổi khác, không còn ý nghĩa là ngày Tết của nhi đồng nữa thì quả thật trẻ con bây giờ đã mất hẳn một đêm hội Trung thu, một đêm rằm Trung thu trong sáng, đúng nghĩa của tuổi thơ xưa. Và người lớn cũng chẳng còn biết giáo dục gì về văn hóa, về truyền thống, bản sắc dân tộc cho con em mình qua hình ảnh lệch lạc của ngày Tết Nhi đồng kiểu ấy.

 TỪ KẾ TƯỜNG

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.