Góc khuất sau thương vụ 10.000 tỷ đồng giữa Kinh Đô và Mondelez International

(NTD) - Từ ngày 1/3/2016, Công ty CP Kinh Đô Bình Dương được đổi tên thành Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam. Kinh Đô chính thức trở thành cái “đuôi” sau Mondelez International, “đế chế” của gia tộc Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên buộc phải thay tên đổi họ.

Kinh Đô: Đế chế của một gia tộc thành công!

Từ một cơ sở sản xuất bánh kẹo quy mô nhỏ, anh em nhà họ Trần: Trần Kim Thành (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và Trần Lệ Nguyên (Tổng Giám đốc), vốn là người Việt gốc Hoa, đã dìu dắt Công ty CP Kinh Đô trở thành một tập đoàn thực phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán, với thế mạnh trong lĩnh vực bánh kẹo, chiếm hơn 28% thị phần, trong đó có nhiều sản phẩm dẫn đầu thị trường. Năm 2013, Kinh Đô đã có 4 nhà máy, 5 công ty thực phẩm, 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán lẻ và hơn 7.000 lao động, sản phẩm xâm nhập thị trường hơn 30 quốc gia...

Ở thời kỳ đỉnh cao, bằng các thông điệp truyền thông đánh trúng tâm lý của người Việt về nét đẹp văn hóa truyền thống như: Thấy Kinh Đô là thấy Tết, Tết Trung thu - Tết của tình thân... Kinh Đô đã được người tiêu dùng ưu ái bình chọn là thương hiệu quốc gia, đại diện cho ngành bánh kẹo Việt Nam.

Giai đoạn 2014, khi thị trường bánh kẹo có những dấu hiệu chững lại, dư luận và nhà đầu tư của Kinh Đô được một phen dậy sóng khi anh em nhà Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên rục rịch bán thương hiệu Kinh Đô và mảng bánh kẹo cho các nhà đầu tư nước ngoài, nguy cơ mất đi một thương hiệu lớn mạnh nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt trong hơn 20 năm qua.

03
Công nhân nhuộm gạo bằng một thứ nước màu xanh... thành cốm để làm bánh trung thu nhân cốm xanh. Clip quay tại một nhà bánh sản xuất bánh trung thu Kinh Đô.

Tại sao Kinh Đô bán đi nồi cơm của chính mình?

Năm 2015, Mondelez International chính thức lộ diện và mua đứt 80% cổ phần của Công ty CP Kinh Đô Bình Dương với giá khoảng 370 triệu USD (gần 8.000 tỷ đồng). Đồng thời, Công ty CP Kinh Đô đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Kido (Kido Corporation).

Sự việc chấm dứt những đồn đoán trước đây nhưng mở ra nhiều luồng dư luận trái chiều khác. Có ý kiến cho rằng anh em nhà Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên quá dại khi bán đi “nồi cơm” của mình. Cũng có người đặt nghi vấn phải chăng các ông chủ của Kinh Đô đang gặp những khó khăn nhất định về tài chính.

Ở chiều ngược lại, nhiều người cho đó là bước đi khôn ngoan, đầy toan tính của anh em nhà họ Trần, đã biết “buông tay” đúng lúc khi Kinh Đô đang đến hồi “thoái trào”, khó cạnh tranh nổi trước làn sóng cạnh tranh của các thương hiệu bánh kẹo lớn đến từ khắp nơi trên thế giới.

Chính trong giai đoạn mua bán này, Kinh Đô liên tiếp vướng phải nhiều vụ bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng và lảng tránh dư luận. Theo đó, trong năm 2015, nhà máy sản xuất bánh trung thu của Kinh Đô bị phát hiện sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ hạn sử dụng, chứa giòi bọ, xác ruồi; bánh được sản xuất trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, công nhân dùng tay trần nhào bột, trứng rơi lăn lóc trên sàn nhà được nhặt thẩy lên chuyền sản xuất tiếp, bánh trong hạn sử dụng bị mốc xanh...

Trong một thời gian dài, Kinh Đô trở thành một từ khóa “hot” khiến người tiêu dùng giận dữ, nhà đầu tư thất vọng bán tống bán tháo cổ phiếu của Kido, chỉ có anh em nhà Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên là “hỉ hả” khi ôm một núi tiền!

02
Ông Trần Kim Thành và ông Trần Lệ Nguyên.

Mondelez International liệu có hố hàng?

Mondelez International là một trong những công ty hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ với các thương hiệu bánh quy Oreo, bánh quy giòn Ritz chocolate, chocolate Cadbury, cà phê và đồ uống hòa tan, doanh thu năm 2015 xấp xỉ 30 tỷ USD. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu nói Mondelez International là “gà mờ” cúng tiền oan cho anh em nhà Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên thì khó tin nhưng ít nhiều các phân tích cho thấy hãng bánh kẹo quốc tế dường như đã chủ quan trong việc kiểm soát thông tin về Kinh Đô.

Chắc hẳn Mondelez International đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường 90 triệu dân, thương hiệu Kinh Đô được người tiêu dùng Việt ưu ái, hệ thống phân phối có sẵn... Mặt khác, việc mua lại Kinh Đô cũng là bàn đạp cho các sản phẩm của họ xâm nhập thị trường Việt Nam. Nhưng xét về con số 663 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014 của Kinh Đô, chờ đến khi Mondelez Kinh Đô có lãi quả là một chặng đường dài gian nan?

Từ ngày thâu tóm luôn 20% cổ phần còn lại, Mondelez Kinh Đô trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, ngoại trừ những bê bối về thực phẩm bẩn có tính “kế thừa”... thì hoạt động của doanh nghiệp này gần như kín bưng.

Một vấn đề nữa khiến nhiều chuyên gia trong ngành thực phẩm tỏ ra khá băn khoăn, đó chính là việc sau biến cố bị báo chí phanh phui bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm trong năm 2015 và mới đây, dường như Kinh Đô đang bị phê phán nhiều trước động thái im thin thít của mình, không phản bác cũng như không khiếu nại, đính chính gì về các thông tin báo chí đăng tải.

Thế nhưng, nếu như sự thật đúng như những đoạn clip đăng tải về quy trình sản xuất bánh trung thu bẩn của Kinh Đô giai đoạn 2015-2016, thì các ông chủ cũ nhà họ Trần của Kinh Đô quả là may mắn. Nếu ở nước ngoài, thương vụ này dù đã hoàn tất, các ông chủ họ Trần dù đã nhận đủ tiền nhưng rõ ràng những hành động sản xuất thực phẩm bẩn được xây dựng trên nền tảng phi đạo đức, bưng bít thông tin đều có thể là những căn cứ để đối tác mua doanh nghiệp khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Một trong những chi phí quan trọng nhất ở một thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) chính là khoản phí vô hình về uy tín thương hiệu trong cộng đồng. Chắc chắn một tập đoàn thực phẩm lớn như Mondelez International sẽ không “dại dột” bỏ hàng chục ngàn tỷ đồng để mua lại một doanh nghiệp bị tai tiếng về sản xuất thực phẩm bẩn cung cấp cho cộng đồng.

Đối với ngành thực phẩm, một tai tiếng nhỏ về sản xuất thực phẩm bẩn vẫn có thể “đánh sập” cả một đế chế doanh nghiệp - dù đó là những thương hiệu có lịch sử hàng trăm năm. Sản xuất thực phẩm bẩn chính là hành động giết người thầm lặng mà mọi xã hội đều lên án.

Anh Nguyễn

_NTD_So 66_11
 

Bình luận

Nổi bật

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỷ đồng

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 21:39

(CL&CS) - Chương trình “Cho vay linh hoạt” của HDBank tiếp sức cho khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản, xây dựng, sửa nhà và tiêu dùng.

Lượng giao dịch 3 phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ đã nhích dần lên

Lượng giao dịch 3 phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ đã nhích dần lên

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:38

Theo Bộ Xây dựng, qua số liệu tổng hợp cho thấy, lượng giao dịch 3 phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I/2024 có xu hướng tăng so với quý IV/2023.

Chủ tịch HoREA: TP Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở

Chủ tịch HoREA: TP Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:38

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, trong năm 2024, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao.