Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 30/07/2016, 15:38 PM

Đừng “vơ đũa cả nắm” khi công bố dự án thế chấp ngân hàng

(NTD) - Việc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản. Người tiêu dùng hoang mang lo lắng, chủ đầu tư tìm cách trấn an khách hàng, còn các nhà quan sát thị trường bất động sản lại cảm thấy quan ngại.

Khách hàng ngồi trên đống lửa

  77 cái tên bao gồm cả những tên tuổi lớn trong làng bất động sản đều có tên trong “bảng vàng” của ngân hàng như: Công ty liên doanh TNHH Capitaland - Vista thế chấp dự án The Vista (Q.2); CTCP Đầu tư Nam Long thế chấp khu dân cư tại phường An Lạc (Q.Bình Tân); Công ty địa ốc Hoàng Quân thế chấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh; CTCP Quốc Cường Gia Lai thế chấp khu dân cư 6B (H.Bình Chánh); CTCP Tập đoàn SSG thế chấp dự án Saigon Pearl giai đoạn 3A (Q.Bình Thạnh); Công ty TNHH Kinh doanh nhà Gia Hòa với khu căn hộ The Art (Q.9), Công ty Đầu tư địa ốc TP.HCM thế chấp công trình xây dựng trường liên cấp và trường mầm non trong KDC Cityland (P.5, Q.Gò Vấp)...

du an the chap
Một số căn hộ tại dự án Materi Thảo Điền bị thế chấp ngân hàng.

  Khách hàng, đặc biệt là những người mua căn hộ tại những dự án thế chấp cảm thấy vô cùng lo lắng, vì rất có thể chính mình lại giống những cư dân tại The Harmona. Trên các trang do cộng đồng cư dân chung cư thành lập, đặc biệt là tại các dự án đang bị thế chấp, khách hàng như ngồi trên đồng lửa.

  Chẳng hạn, trên trang “Cộng đồng cư dân Sunny Plaza (Q.Gò Vấp)”, do CTCP bất động sản Sài Gòn Đông Dương làm chủ đầu tư, nhiều cư dân bày tỏ những lo lắng về dự án này. Thậm chí, một cư dân còn đề xuất “nên tập hợp lại, yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng phải giải trình rõ ràng tình trạng thế chấp trong thời gian sớm nhất trước khi thanh toán những đợt còn lại. Nếu không thì mọi người cùng nhau thuê luật sư chuẩn bị phương án bảo vệ quyền lợi ngay từ bây giờ, để tránh phiền phức không mong muốn có thể xảy ra”.

  Trong khi đó, khu dân cư tại phường An Lạc (Q.Bình Tân) do Nam Long làm chủ đầu tư cũng rất bất bình với thông tin chủ đầu tư đang cầm tài sản ở ngân hàng. Một khách hàng cho rằng: “Dự án đang tiến hành xây dựng và bán thì thế chấp là bình thường. Bán xong mà vẫn không tất toán nợ, cố tình không ra sổ hồng cho khách hàng và mang tiền đi làm chuyện khác là phạm pháp”.

Doanh nghiệp trấn an

  Ngay sau khi thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng được công khai rộng rãi, nhiều khách hàng đã cho rằng việc cầm cố dự án đang triển khai tại ngân hàng là do chủ đầu tư kém năng lực. Trên thực tế, chưa thể khẳng định điều này là đúng hay sai, tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp ngay lập tức có những động thái “trấn an” khách hàng.

du an the chap2
Khách hàng không nên quá lo lắng với những dự án bị thế chấp tại ngân hàng.

  Đơn vị đầu tiên, Công ty TNHH Kinh doanh nhà Gia Hòa, doanh nghiệp có tên trong danh sách, cho biết thông tin dự án Khu căn hộ The Art của Công ty Gia Hòa hiện đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - Chi nhánh TP.HCM (Vietbank) là đúng nhưng chưa đầy đủ. Vì Gia Hòa chỉ sử dụng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án The Art để bảo đảm cho nghĩa vụ phát hành chứng thư bảo lãnh của chủ đầu tư. Đơn vị này còn chứng minh dư nợ tín dụng của Công ty Gia Hòa vay để thực hiện dự án The Art là 0 đồng. Được biết, hiện tại dự án The Art, Công ty Gia Hòa chỉ mới được phép huy động vốn của khách hàng với 515 căn hộ tại khối C. Riêng tại khối A và D Gia Hòa chưa được phép huy động vốn.

  Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát được nêu có thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2, 3, 17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn. Lãnh đạo Hưng Lộc Phát cho rằng, thông tin này có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án mà công ty đang triển khai. Đơn vị này cho biết, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu đều là những căn hộ được Hưng Lộc Phát giữ lại phục vụ cho mục đích khác mà hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào. Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2, 3, 17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của Công ty Hưng Lộc Phát. Do vậy, việc thế chấp phần tài sản này cho ngân hàng sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc cao ốc Hưng Phát.

  Tương tự, CTCP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương cũng trấn an khách hàng bằng một thông báo rằng đơn vị này chỉ thế chấp tại ngân hàng phần diện tích kinh doanh khu vực siêu thị và công bố 20 căn hộ mà công ty này chưa kinh doanh. Đơn vị này cũng cam kết không dùng căn hộ khách hàng đã mua để làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, 570 căn hộ Lô A3 của dự án Him Lam Riverside do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư cũng đã được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (chi nhánh Đồng Nai) giải chấp nhưng vẫn có trong danh sách.

Chuyên gia khuyên bình tĩnh

  Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. “Chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn” - ông Châu cho biết.

  Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng luật sư Trường, cho rằng theo quy định của Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp. Luật không bắt buộc chủ đầu tư bán dự án A thì phải thế chấp dự án A mà có thể thay bằng tài sản đảm bảo B. Cho nên, việc nhiều dự án thế chấp không quan trọng, quan trọng khách hàng phải nắm được chủ đầu tư thế chấp bằng hình thức nào để tránh rủi ro.

  Chuyên gia Kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đánh giá, chỉ cần nhìn danh sách dự án thế chấp thì sẽ thấy những chủ đầu tư uy tín hàng đầu hiện nay đều có mặt. Cho nên, vấn đề của khách hàng không phải là dự án có thế chấp hay không, mà quan trọng là căn nhà họ mua có bị thế chấp hay không. Dự án thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư yếu kém, việc dự án thế chấp ngân hàng đồng nghĩa khách hàng sẽ được lợi bởi ngân hàng sẽ giám sát dòng tiền vào dự án.


Nguyên Vũ

 

NTD So 61 (248)_Page_22
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.