Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 15/05/2015, 14:00 PM

Doanh nghiệp làng nghề ngơ ngác trước hội nhập

(NTD) - Ngưỡng cửa hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các DN làng nghề Việt Nam. Tới 70% DN Việt Nam không nắm bắt được thông tin về hội nhập, số đông DN làng nghề cũng nằm trong số đó.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 5.096 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời và nổi tiếng trong và ngoài nước như: lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu…Nhiều doanh nghiệp làng nghề cũng đã có tiếng trong thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thế giới. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang tiến hành ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, điều đó đồng nghĩa với việc, hàng hóa từ thị trường quốc tế sẽ tràn vào trong nước một cách dễ dàng, buộc DN Việt phải nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa mới có thể trụ vững ngay trên sân nhà.

70% DN ngơ ngác

Điều đáng lo là nhiều DN làng nghề vẫn đang rất ngơ ngác, thậm chí có DN không quan tâm khi tiếp nhận thông tin này. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy có đến 70% doanh nghiệp nước ta hiện nay không hiểu về hội nhập, doanh nghiệp làng nghề không phải ngoại lệ. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại bởi so với các nước trong khu vực, Việt Nam có những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, tồn tại vài trăm năm nhưng cũng có những sản phẩm đồng dạng. Hơn nữa, các nước trong khu vực như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia…sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất tinh xảo, giá thành hợp lý, Chính phủ các quốc gia này cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển …Vì vậy, họ sẽ là những đối thủ cạnh tranh lớn của các DN Việt.

langnghepx

Làng nghề sẽ khó tồn tại nếu không tiếp cận thông tin

Hiện nay, khả năng liên kết giữa các làng nghề rất kém. Các làng nghề có thế mạnh là tạo ra những sản phẩm rất tỉ mỉ, nắn nót nhưng khi khách hàng cần một container hàng và giao trong vòng một tháng thì hầu như các làng nghề đều “bó tay”.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã phải bỏ những đơn hàng lớn khiến cho khách hàng phải chuyển sang đặt mua ở những thị trường khác như Lào, Thái Lan hay Trung Quốc. Như vậy, ngay cả khi chưa có AEC thì các doanh nghiệp nội đã yếu hơn các doanh nghiệp trong khu vực về khả năng liên kết.

Cần khắc phục sớm điểm yếu trước hội nhập

Các làng nghề cần đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới; đồng thời phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ.

Một số ý kiến khác lại đánh giá cao việc bố trí lại bộ máy quản trị cơ sở, tức là mỗi đơn vị sản xuất cần phân công cho từng người ở từng khâu và quy định trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng, phố nghề để hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi cơ sở. Ngoài ra, các làng nghề cần thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm mới qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từng bước tiến tới giao dịch, bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian với giá cả công khai, minh bạch; hoặc phát triển phương thức bán hàng trên internet, qua trang tin điện tử của cơ sở sản xuất, làng nghề, phố nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam...

Bên cạnh sự nỗ lực của các làng nghề, sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước cũng rất cần thiết. Thực tế, những năm gần đây, các hợp đồng ngày càng ít, lao động thiếu việc làm, doanh nghiệp ngừng trệ hoặc đóng cửa, giải thể, có nơi gần như phải bỏ nghề. Trong khi đó, làng nghề gồm phần lớn là hộ gia đình, quy mô nhỏ, có nhiều yếu kém, do đó, hơn bao giờ hết, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần tiếp tục được đẩy mạnh để tạo thuận lợi cho các cơ sở làng nghề tăng sức “chiến đấu” và phát triển bền vững”.

Quả thực, rất cần tới cơ chế, chính sách để tập trung, thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các làng nghề, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tương tự như xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển làng nghề phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Họ chính là người được thụ hưởng các thành quả trong phát triển làng nghề đồng thời có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng để làng nghề bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một mô hình chuẩn về quản lý môi trường ở các làng nghề nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trong “thế giới phẳng” với mức độ hội nhập sâu rộng như hiện nay, xu thế phát triển chung có ảnh hưởng trực tiếp tới từng làng nghề. Tuy nhiên, vấn đề gì cũng có hai mặt, đã là thách thức thì bao giờ cũng mở ra cơ hội và ngược lại. Đó cũng chính là điều kiện để các nghề truyền thống vận động, tìm tòi ra hướng đi, cách thức mới phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường. Các làng nghề phải ghi nhớ là tạo ra lợi nhuận chủ yếu từ lao động sản xuất chứ không phải từ kinh doanh, buôn bán. Do đó, nếu có sự đầu tư tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, chịu khó đổi mới cải tiến mẫu mã, năng động tìm kiếm bạn hàng… thì chắc chắn sẽ duy trì được mức độ ổn định và phát triển.

Tin tức mới nhất về Kinh doanh độc giả có thể đọc tại đây.

Cao Phong (TH)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.