Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 26/09/2015, 14:00 PM

Đồ chơi Trung thu truyền thống đang hồi sinh

(NTD) - Mỗi mùa trung thu về lại kéo theo sự nở rộ của thị trường đồ chơi trẻ em. Năm nay, các sản phẩm đồ chơi Trung thu dành cho trẻ em của Việt Nam đang dần lên ngôi với nhiều mẫu mã bắt mắt, đa dạng. Đây chính là tín hiệu đáng mừng cho sự khởi sắc của những loại hình đồ chơi trung thu truyền thống.

Dạo quanh những con phố như Hàng Lược, Lương Văn Can, Hàng Mã hay  nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội, có thể nhận thấy những sản phẩm của Việt Nam được  bày bán rất nhiều, nổi bật là các loại đèn lồng khung gỗ, đèn lồng xếp giấy trống cơm, đèn ông sao, mặt nạ… Các sản phẩm có mẫu mã, kích thước cũng như chủ đề khá đa dạng. Đây chính là một trong những dấu hiệu cho sự quay lại ngoạn mục của đồ chơi trung thu truyền thống đã từng một thời bị “lãng quên”.

“Ít nhất một lần muốn bỏ nghề”

Đó là tâm sự chung của rất nhiều nghệ  nhân làm đồ chơi trung thu truyền thống khi mà chỉ vài năm trước, người tiêu dùng hầu như chỉ ưa chuộng những loại đồ chơi bằng nhựa, có đè nhấp nháy, có nhạc,… của Trung Quốc.

Cô Nguyễn Thị Tuyến (làng Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) - người được biết đến như là nghệ nhân làm đèn lồng cuối cùng ở làng Hậu Ái tâm sự, cô cũng đã rất nhiều lần có ý định bỏ nghề làm đèn trung thu. “Là người thứ theo nghề truyền thống nhiều đời của gia đình, thu nhập cũng không đáng kể, nhiều lần định bỏ không làm nữa. Nhưng khi tìm thấy niềm vui và sự háo hức tìm hiểu ý nghĩa từng món đồ chơi của bọn trẻ, tôi lại có thêm động lực để đeo đuổi nghề. Vả lại, cứ năm nào bỏ không làm lại có người hỏi. Có cụ ở xã bên 70- 80 tuổi rồi còn tìm sang tận nơi chỉ để mua cho cháu một ông tiến sĩ giấy và một đôi ông đánh gậy. ”

Nghe nhan Nguyen Thi Tuyen

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tỉ mẩn làm khung đèn ông sao

Hiện nay, làng Hậu Ái chỉ còn duy nhất cô Tuyến là người còn theo nghề. Đồ chơi Trung thu của cô được khách hàng ưa thích bởi chúng luôn được cải tiến về mẫu mã để sinh động và hấp dẫn hơn nhưng kết cấu vẫn phải giữ nguyên theo lối truyền thống.

Cô Tuyến cho biết, để có một chiếc đèn ông sao làm đúng theo lối cổ phải qua nhiều công đoạn, từ chọn nứa cho đến cắt, dán. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn. Nứa này cô mua ở chợ Vạn cách nhà tận 10km. Chọn nứa xong, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt. Công đoạn mua nguyên vật liệu, chẻ nan thường sẽ bắt đầu vào 20/6 âm lịch, đến 15/7 sẽ gióng khung và dán giấy màu trang trí.

Nghệ nhân đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền (77 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thì luôn tâm niệm: “Tôi không gọi đây là nghề, tôi gọi đây là niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Nó không mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng vì yêu nghề, nên tôi cứ tự lần mần làm từ năm này qua năm khác  và cho đến tận bây giờ thôi.”

Say mê với nghề truyền thống, ông Quyền cũng không ngừng tìm tòi và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm đẹp mắt hơn và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, hầu như dịp Trung thu năm nào ông Quyền cũng sản xuất hàng trăm chiếc đèn kéo quân với đủ kích cỡ. Khách hàng của ông không những ở trong làng, trong xã mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Nghe nhan Nguyen Van Quyen
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền không còn nhớ rõ mình đã làm đèn kéo quân từ năm mấy tuổi

Ông Quyền cho biết, công đoạn đầu tiên là làm khung đèn. Khung đèn có hai loại, loại làm nan tre gắn với giấy poluya chơi được một tuần và loại làm bằng gỗ, vải tốt giữ được rất lâu. Khó nhất trong làm đèn kéo quân là trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Với khung bằng tre sẽ được cuốn quanh bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn. Bước cuối cùng lồng đèn sẽ được trang trí cho thật sặc sỡ.

Đồ chơi truyền thống hồi sinh   

Những năm gần đây, người ta vui mừng khi thấy đồ chơi truyền thông đã trở lại có chỗ đứng trên thị trường. Điều này chính là tín hiệu đáng mừng cho sự trở lại của những giá trị truyền thống.

Đối với ông Nguyễn Văn Quyền, dấu mốc ấy bắt đầu từ năm 2007, khi ông được Bảo tàng Dân tộc học mời lên Hà Nội để hướng dẫn cho sinh viên, học sinh và khách tham quan cách làm đồ chơi truyền thống.

 “Với những người có tâm huyết, không tính thiệt hơn trong kinh tế như chúng tôi, ban đầu chỉ làm cho vui, ngay cả khi bảo tàng đón ra để hợp tác cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ hy vọng những giá trị truyền thống này được nhiều người quan tâm để khi tôi không còn sẽ có người khác thay thế, duy trì.” – ông Quyền chia sẻ.

Sau khoảng 5 năm, đồ chơi truyền thống bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh. Theo ông, dạy cho thế hệ trẻ về đồ chơi truyền thống chính là để khơi dậy tính sáng tạo, niềm yêu thích và tạo điều kiện cho lớp trẻ  được tiếp xúc gần hơn với văn hóa truyền thống.

 “Trong số những sinh viên tôi dạy, có những sinh viên làm rất tốt, rất có năng khiếu. Tôi hy vọng rằng trong số những sinh viên ấy sẽ có những em đam mê, có thể hướng dẫn lại cho người nhà để sau này sẽ có người tiếp tục duy trì và phát huy nét văn hóa truyền thống này.”

12060072_886331158083174_1456578522_o
 
12050482_886331048083185_241740557_o
 
12050740_886330941416529_932100519_o
Những đồ chơi trung thu truyền thống được trưng bày ở 42 Hàng Bạc

Cũng là một trong những “ngưới sót lại” về đồ chơi trung thu trẻ em, cô Tuyến cho biết,  khoảng 5- 6 năm nay nhà nước rất quan tâm về vấn đề này.

Từ năm 2002, cô Tuyến được Bảo tàng Dân tộc học đặt hàng và mời hướng dẫn cho trẻ em làm các loại đồ chơi truyền thống. “Nhiều em được tôi chỉ cho cách tự làm đèn ông sao rất thích thú với món đồ mình làm ra", cô Tuyến tâm sự.

Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Do đó, những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao…chính là những giá trị truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy.

Tin tức mới nhất về Xã hội mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Nhóm PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.