Dữ liệu cũ
Thứ ba, 19/09/2017, 07:16 AM

Click farm - “trại câu like” vẫn còn đất sống

Click farm - “trại câu like” - đem lại những like giả nhằm tăng độ nổi tiếng cho những tài khoản của các ngôi sao giải trí hay những doanh nghiệp cần bán hàng trên mạng. Ấn Độ, Phillipines và Bangladesh từng là mảnh đất cho những trang trại kiểu này. Giờ đây, các “ông trùm” Trung Quốc, Nga và Indonesia nổi lên như tay chơi mới về loại hình kinh doanh này.

click3
Trại câu like với hơn 10.000 iPhone ở Trung Quốc cùng hai công nhân làm việc trong đoạn phim của phóng viên người Nga.
click1
Hơn 10.000 iPhone xếp hàng ngay ngắn trên kệ.

Thị trường sôi động

Đầu tháng 6/2017, cảnh sát Thái Lan bắt giữ ba người đàn ông quốc tịch Trung Quốc tại một căn nhà ở tỉnh Sa Kaeo, cách Bangkok khoảng 200 km về phía đông. Bangkok Post đưa tin cảnh sát tịch thu 476 điện thoại di động và gần 350.000 sim card dùng để tăng like, kéo view cho các tài khoản trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Cảnh sát nói ba người đàn ông này thừa nhận “làm các công việc trên mạng xã hội” và mỗi người kiếm được khoảng 3.000-4.500 USD/tháng.

Trước đó, vào tháng 5/2017, một phóng viên Nga đã công bố một đoạn phim làm thế giới giật mình. Phóng viên này nói đoạn phim được quay tại một “trại câu like” ở Trung Quốc, với khoảng 10.000 chiếc điện thoại iPhone được xếp ngay ngắn thành từng hàng trên kệ. Chỉ có hai công nhân xuất hiện trong đoạn phim.

Dhaka, thủ đô bảy triệu dân của Bangladesh, được xem là trung tâm quốc tể của trại câu like. Shaiful Islam - CEO của Công ty Mạng xã hội Unique IT World có trụ sở ở Dhaka - nói công ty của ông trả tiền cho công nhân ngồi like từng trang mạng xã hội của khách hàng. Điều này gây khó khăn hơn cho facebook và Google phát hiện. “Những tài khoản này là thật, không phải giả mạo” - Islam nhấn mạnh.

Dhaka là thành phố nổi tiếng đối với nhiều ngôi sao và các công ty trên thế giới. Danh thủ Leo Messi có trang cá nhân với 55 triệu like, rất nhiều người đến từ Dhaka. Ngay cả trang của facebook và Google cũng có rất nhiều người theo dõi từ Dhaka.

Một số ông chủ khác của trại câu like ở Dhaka thừa nhận rằng họ tính khách hàng 15 USD cho mỗi 1.000 like. Công nhân được trả lương rẻ mạt: 1 USD cho mỗi 1.000 like. Có khi còn tệ hơn nữa: 120 USD cho một năm làm việc. Họ miệt mài công việc tải rồi xóa các ứng dụng (app) trên điện thoại để tăng lượt tải của các ứng dụng này. Công việc chính vẫn là tạo “bão like” cho các status của khách hàng hay tăng view các đoạn video trên YouTube.

click6
Ba người đàn ông quốc tịch Trung Quốc bị bắt tại tỉnh Sa Kaeo, Thái Lan vào đầu tháng 6/2017.
click7
Cảnh sát Thái Lan thu giữ 476 chiếc điện thoại và gần 350.000 simcard dùng để câu like cho các tài khoản mạng xã hội ở Trung Quốc.

Bắt cóc bỏ đĩa…

Facebook ra đời năm 2004. Kể từ đó, người sử dụng dùng mạng xã hội này để kết bạn, tăng cường kết nối cùng sức ảnh hưởng của mình và kiếm tiền. Còn các công ty truyền thông mạng xã hội thì tự hào mang lại độ tương tác cao cho khách hàng của mình.

“Mỗi lần bấm chuột sẽ mang lại giá trị tiền bạc, và vì thế sẽ có những âm mưu đen tối” - Mitul Gandhi, CEO của seoClarity chuyên về tương tác trên mạng xã hội nói.

Theo tính toán của Andrea Stroppa và Carla De Micheli - hai blogger và nhà nghiên cứu an ninh mạng người Ý, số tài khoản giả trên Twitter chiếm khoảng 15%. Mua bán các tài khoản giả này có thể tạo ra 40-360 triệu USD một năm. Số tài khoản giả mạo trên facebook cũng ở tỷ lệ tương ứng và thị trường mua bán này có giá trị khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

CEO của WeSellLikes.com nhận định rằng mua like, tăng view là thị trường béo bở. Vị này nói: “Doanh nghiệp mua like trên facebook bởi họ e ngại rằng khi người khác vào tài khoản của họ chỉ thấy lèo tèo vài like và họ e ngại sẽ mất khách”. Vị CEO này phát biểu với hãng AP với điều kiện không nêu tên, và cho biết sẽ chuyển công ty ra nước ngoài để khỏi bị pháp luật Mỹ sờ gáy.

Các trang mạng xã hội cố gắng dọn dẹp các tài khoản giả, khẳng định người sử dụng là thật. YouTube gỡ bỏ các video sau khi các nhà kiểm toán của họ phát hiện chủ của một số tài khoản khoác lác về lượng người xem. Facebook tiến hành các đợt “dọn rác” hay “nhổ cỏ” thường xuyên. Twitter và LinkedIn thì nói “mua bán tương tác sẽ làm người sử dụng thật chán ngán, vi phạm thỏa thuận với nhà cung ứng và có thể dẫn đến việc đóng tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản”.

click4
Công việc của công nhân ở trại câu like. Chỉ cần bấm like liên tục, đôi lúc tải rồi xóa các ứng dụng và thực hiện nhiều lần trên hàng loạt các điện thoại. Phức tạp hơn thì nhập comment.

Nhưng phản ứng và hành động đầu tiên phải đến từ người tiêu dùng

Năm 2013, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngừng mua like facebook sau khi cơ quan kiểm toán phê bình bộ này đã chi 630.000 USD để tăng like. Trong một trường hợp, số fan trang mạng của bộ này đã tăng từ 10.000 lên trên 2,5 triệu.

Nhưng hiếm lắm mới có một khách hàng dũng cảm như vậy. Và xóa bỏ các trang trại câu like giống như “bắt cóc bỏ đĩa” bởi số người sống ảo và doanh nghiệp sống ảo vẫn tồn tại vô số.

Tony Harris, người thực hiện các chiến dịch tiếp thị trên mạng xã hội cho các hãng phim lớn của Hollywood, nói ông rất muốn tăng lượng người theo dõi trên Twitter và facebook cho khách hàng của mình, nhưng phải từ các tài khoản thật. Nhưng Harris phải thừa nhận: “Ảo tưởng về lượng người theo dõi khủng vẫn tồn tại vững chắc!”

 Ricky Hồ

_NTD_So 108_29
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.