Thứ ba, 09/11/2021, 10:15 AM

Chính phủ đã có những quyết định chuyển hướng chiến lược phù hợp

(CL&CS) - Để phục hồi kinh tế, thì cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính - gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù. Phải xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm để để con cháu chúng ta có thể ly nông nhưng bất ly hương không phải cuốn về nơi đô thành chật chội.

Đó là kiến nghị mà Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC), ĐBQH Thành phố Hà Nội đã nói phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội hôm 8/11/2021 về tình hình kinh tế xã hội.  

Tạo thêm các cực tăng trưởng mới

Tại phiên thảo luận này, đại biểu Vũ Tiến Lộc và nhiều đại biểu khác đã rất hoan nghênh báo cáo của Chính phủ. Báo cáo này đã nhấn mạnh những thành tựu và cũng đã rất thẳng thắn đề cập tới các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 8/11.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 8/11.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc và các đại biểu khác đã đánh giá cao sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời của Chính phủ trong những tháng gần đây, đã giúp cho chúng ta bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế. 

Đưa ra ý kiến về chống dịch và phục hồi kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói: “ Chúng ta thấy rằng, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch là thảm hoạ, nhưng cũng gợi ý cho chúng ta về một cách tiếp cận mới cho quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nước nhà”.

Không phủ nhận vai trò của các “siêu đô thị” như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các “đại công trường” ở miền Đông Nam Bộ, trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá những năm qua. 

“Nhưng nếu các siêu đô thị và các đại công trường đó vẫn ôm vào lòng mình các ngành công nghiệp, chủ yếu là gia công lắp ráp, với giá trị gia tăng thấp, sử dụng một lực lượng lao động thủ công khổng lồ với thu nhập thấp như hiện nay thì, một mặt, sẽ tiếp tục gây quá tải cho không gian đô thị và đời sống dân sinh, mặt khác, lại cạnh tranh thu hút đầu tư, chèn lấn sự phát triển của các địa phương khác nghèo hơn, đang phải mưu sinh chủ yếu bằng nghề nông nghiệp”, ông Lộc phát biểu.

Vì vậy, rất cần phải xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm các cực tăng trưởng mới để “chia lửa” cho thủ đô Hà Nội, cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đóng vai trò dẫn dắt, lan toả được sự phát triển, đưa  đô thị và công nghiệp về  với nông thôn.

Những đô thị trung tâm này cũng để phân bổ lại không gian kinh tế và thị trường lao động theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn, “để con cháu chúng ta có thể ly nông, bất ly hương, có việc làm và làm giàu ngay chính trên quê hương mình, mà không phải cuốn về các nơi đô thành chật chội”, ông Lộc nói.

Cấp thiết cần gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù

Thảo luận về thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, thì cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù.

Quốc hội đang bàn và quyết định cơ chế đặc thù cho  các địa phương và Chính phủ đã có dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công. 

“Nhất cử, lưỡng tiện  – việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm phục hồi kinh tế là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Lộc cũng đề nghị  trước yêu cầu rất cấp bách hiện nay, chính sách tài khoá phải đóng vai trò chủ đạo. Chính phủ cần dành nguồn lực tài khoá lớn hơn cho quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ cấp bù lãi suất để yểm trợ cho hệ thống ngân hàng. Và khi chủ trương bù lãi suất 2-3% được áp dụng thì sẽ là sự kết hợp tuyệt vời giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều cho nên giải pháp tăng trưởng tín dụng để “tiếp máu” cho nền kinh tế, chỉ có thể là kết quả của sự chung tay, cộng hưởng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. 

Hoan nghênh Bộ Tài chính đã có đề xuất nâng quy mô gói hỗ trợ lãi suất lên 10 lần so với mức hiện nay, từ 2-3 ngàn tỷ, lên 20-30 ngàn tỷ đồng, ông Lộc hy vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ tiếp tục được bổ sung thêm. Gói hỗ trợ này, nếu được thông qua và triển khai nhanh sẽ là mũi tên trúng được hai đích, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, tức là giúp Chính phủ đạt được mục tiêu kép , trong bối cảnh khó khăn.

Nói lên “một chút lo ngại” về đầu tư công, ông Lộc e rằng việc phân bổ dàn trải ,cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá ,có thể dẫn tới hệ lụy khiến dòng tiền chảy vào những dự án kém hiệu quả. Vì vậy cần tập trung vào các dự án trọng điểm cấp quốc gia và được Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, dành để bổ sung cho Quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ hỗ trợ lãi suất.

Ông đề nghị: trong đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Nhà nước đừng làm một mình mà hãy tận lực khai thác khả năng đối tác công tư, để cùng làm với dân, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích và... các cơ quan nhà nước, đừng vì quá lo an toàn cho mình mà, đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp. Và đây chính là chiếc chìa khoá vàng để khơi thông được mọi nguồn lực ở nơi dân.

Cuối cùng, chúng ta hiểu rằng, không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về sinh mạng, về vật chất và tinh thần, mà người dân và doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong suốt những tháng ngày qua, và mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay là rất cấp bách, nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị, chúng ta không thể một chút lơ là, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để phát huy được sức mạnh của toàn dân, không để nền kinh tế nước ta “lỡ nhịp”, “lỡ thì” với thiên hạ. 

Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất, chứ không phải các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế nước nhà, TS.Vũ Tiến Lộc kết luận.

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:11

(CL&CS)- Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.