Dữ liệu cũ
Thứ tư, 15/04/2020, 18:08 PM

Chiếc máy rửa tay sát khuẩn thông minh của tiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu

(CLCS) - Tuổi đời còn khá trẻ nhưng TS Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1979), Trưởng bộ môn Vật lý Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã có nhiều công trình khoa học cống hiến vì cộng đồng. Với anh, quan điểm “Mình làm gì giúp được cộng đồng thì sẽ làm hết mình, quyết tâm làm cho được dù khó khăn thế nào…” luôn túc trực trong suy nghĩ; để rồi luôn có những công trình khoa học thiết thực nhất ra đời từ bàn tay và khối óc của vị tiến sĩ chân quê này…

TS Nguyễn Văn Hiếu vừa giới thiệu máy rửa tay diệt khuẩn thông minh phòng dịch Covid-19. Công trình này xuất phát từ khi anh Hiếu bắt gặp tại các địa điểm công cộng, mọi người phải dùng tay sử dụng bình diệt khuẩn không chỉ gây thất thoát dung dịch, mà việc nhiều người cùng sử dụng một bình rửa tay rất dễ bị nhiễm dịch bệnh theo kiểu lây nhiễm chéo. Với mong muốn sử dụng những kiến thức đã học vào việc giúp cộng đồng chống dịch tốt hơn, TS Hiếu đã lên ý tưởng và chế tạo thành công chiếc máy này.

1
 Máy rửa tay diệt khuẩn thông minh phòng dịch Covid-19 do TS Nguyễn Văn Hiếu chế tạo 

Giúp cộng đồng phòng dịch

Đáng chú ý, chiếc máy rửa tay diệt khuẩn thông minh là món quà thứ ba mà TS Nguyễn Văn Hiếu chế tạo để góp phần cùng với cộng đồng, trường học phòng chống dịch bệnh Covid -19 trong một tháng qua. Trước đó, Tiến sĩ Hiếu đã chế tạo  thành công buồng khử khuẩn toàn thân và dung dịch rửa tay diệt khuẩn Nano bạc. Theo TS Nguyễn Văn Hiếu, máy rửa tay diệt khuẩn thông minh được nghiên cứu, phát triển dựa trên việc tích hợp công nghệ, cảm biến đo nhiệt với một mô hình bồn nước rửa tay thông dụng hàng ngày.

“Máy có chức năng nhận diện, cảm biến thông minh nên khi đặt trước cửa cơ quan, siêu thị, ngân hàng, hay trường học… chỉ cần người đi qua nơi đặt máy, máy sẽ nhận biết, phát ra tín hiệu và nói "Xin mời anh chị đến rửa tay". Theo đó, khi người đến rửa tay, chỉ cần giơ bàn tay dưới vòi nước, bộ phận cảm biến sẽ nhận biết và phun ra một lượng dung dịch rửa tay diệt khuẩn nano bạc. Lượng vừa đủ để người sử dụng rửa tay sát khuẩn. Sau khi người dùng rửa tay xong, máy sẽ tự động ngắt”, ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, lợi ích của máy rửa tay thông minh này là giảm công sức nhân công nhắc nhở, giám sát, hạn chế lây nhiễm chéo giữa người với người. Quan trọng hơn, máy chỉ phun ra một lượng dung dịch khô vừa đủ, tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường.

2
TS Nguyễn Văn Hiếu đã trao tặng 2 máy cho Trung tâm Y tế Quận 9 và Bệnh viện Quận 9

“Máy có dung tích 20 lít dung dịch diệt khuẩn, tương đương với 5.333 lần rửa tay. Ngoài ra, máy cũng có thể sử dụng bất cứ loại dung dịch diệt khuẩn khô nào chứ không chỉ kén chọn sử dụng dung dịch diệt khuẩn nano bạc”, ông Hiếu nói thêm.

Theo chia sẻ từ vị tiến sĩ trẻ này, dù đã chế tạo thành công máy rửa tay thông minh nhưng ông vẫn chưa… ưng ý lắm. Nguyên nhân là do máy mới chỉ đảm nhận được một số chức năng cơ bản như trên. Vì vậy, trong thời gian tới, sau khi thử nghiệm, tiến sĩ Hiếu sẽ gia tăng thêm tính năng đo nhiệt độ của người khi rửa tay diệt khuẩn, có thể giúp bệnh viện phân luồng bệnh nhân, phòng lây chéo khi phát hiện thân nhiệt người đi qua máy cao một cách bất thường…

Hiện, ngay sau khi chế tạo thành công chiếc máy rửa tay thông minh, TS Nguyễn Văn Hiếu đã trao tặng 2 máy cho Trung tâm Y tế Quận 9 và Bệnh viện Quận 9.

"Đội ngũ y bác sĩ là những người có nguy cơ lây nhiễm với dịch Covid-19 cao hơn bất cứ ai khi phải thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Vì vậy, việc có thêm máy rửa tay tự động này sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ và cả bệnh nhân đến khám chữa bệnh chủ động sát khuẩn, phòng dịch cho bản thân và cộng đồng", Tiến sĩ Hiếu nói.

Ngày 14/4, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng bộ môn Vật lý Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã trao tặng 2 máy rửa tay diệt khuẩn thông minh phòng dịch Covid-19 cho Trung tâm Y tế Quận 9 và Bệnh viện Quận 9.

Trăn trở giúp nông dân

Trước khi được biết đến với các công trình nghiên cứu giúp cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu đã khá nổi tiếng trong giới khoa học, khi ấp ủ ý tưởng “Lập bản đồ khí tượng nông nghiệp trực tuyến” với mong muốn giúp được hàng chục triệu bà con nông dân trên khắp cả nước. Anh kể: "Tuổi thơ khó nhọc của tôi, của cha mẹ tôi cùng những lần đi thực tế, tôi nhận thấy người nông dân của mình làm việc đều trông chờ vào… ông trời. Nghĩa là năm mưa thuận gió hòa thì được mùa, ngược lại sẽ mất mùa. Trong khi đó, nếu mình dự báo được khí tượng từng vùng một cách chính xác, chi tiết, người nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp nước nhà sẽ chủ động hơn trong việc sản xuất, tránh đi những thiệt hại không đáng có từ thời tiết", anh phân tích.

Cũng theo anh Hiếu: “Hiện nay, ngành khí tượng Việt Nam chỉ dự báo trên phổ rộng và thông tin người dân tiếp nhận không được trượt theo thời gian một cách liên tục. Trong khi đó, những công nghệ mới có thể làm được những chuyện đó. Ví dụ như việc bón phân, nếu như ngay khi bón phân, trời bất ngờ đổ mưa lớn, phân sẽ bị rửa trôi gây lãng phí, tổn thất đáng kể. Ngược lại nếu có bản đồ khí tượng chính xác, chúng ta hoàn toàn chủ động được việc này. Do đó, tôi ước mơ và sẽ thực hiện việc lập bản đồ khí tượng nông nghiệp trực tuyến cho người nông dân trên từng vị trí, diện tích cụ thể…”.

Bản đồ này, theo anh Hiếu, sẽ được tích hợp trên một thiết bị cụ thể có thể dự báo trên từng vị trí. Theo đó, với thiết bị này, người nông dân muốn dự báo ở đâu thì chỉ việc cắm thiết bị ở đó. Nó sẽ cho kết quả cụ thể và chính xác gần như tuyệt đối.

“Sản phẩm này có thể dự báo khoảng 10 ngày và độ chính xác gần như tuyệt đối. Với thiết bị này, tôi hy vọng người nông dân sẽ chủ động được việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp như xuống giống, phơi phóng, bón phân, phun thuốc,... Trước đây, chúng tôi đã lắp trạm quan trắc khí tượng trực tuyến tương tự như thế này tại Trường Sa và có kết quả rất tốt", TS. Hiếu nói thêm.

Lê Trung

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.