Dữ liệu cũ
Thứ hai, 19/09/2016, 09:23 AM

Cần mạnh tay với các tập đoàn coi thường cơ quan nhà nước

(NTD) - Rất nhiều tập đoàn “đại gia” đang tung hoành, tự tung, tự tác khắp đất nước Việt với những công trình, dự án đồ sộ nhưng lại ỷ thế nhiều tiền, có "bảo kê" nên coi thường chỉ đạo của các cơ quan nhà nước. Văn hóa kinh doanh, phát ngôn trước công chúng của các "đại gia" nhiều tập đoàn dường như đã được đo bằng tiền và chỉ cần tiền thì các tập đoàn coi thường chỉ đạo của cơ quan nhà nước.

TP. Hạ Long bất lực với tập đoàn Sun Group

Công bằng mà nói TP. Hạ Long có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp đồng thời khá cứng rắn trong việc bảo vệ môi trường.

Trong quá trình thực hiện các dự án giao thông đi vào khu du lịch Bãi Cháy, TP. Hạ Long phát hiện các phương tiện vận tải gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn giao thông nên đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị tham gia thực hiện dự án san gạt, bốc, xúc, vận chuyển đất đá phải bảo đảm quy định về vệ sinh môi trường.

 
untitled12-0950
Dự án Đại Dương Hạ Long của Tập đoàn Sungroup - một trong những dự án mà TP. Hạ Long bất lực trong chỉ đạo.

Đồng thời, UBND TP.Hạ Long cũng yêu cầu Tập đoàn Sun Group không ký các hợp đồng vận chuyển đối với các phương tiện chưa được cấp phép hoặc các chủ phương tiện đã được cấp phép vận chuyển nhưng không thực hiện đúng nội dung trong giấy phép hoạt động đã được cấp.

Thế nhưng, phớt lờ mọi văn bản của TP.Hạ Long, phía Tập đoàn Sun Group vẫn không chấp hành mà còn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, các xe chở đất đá không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ngày 8/1/2016, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.Hạ Long đã ký văn bản số 83/UBND yêu cầu Tập đoàn Sun Group dừng các hoạt động chở đất, đá không phép trên địa bàn thành phố.

Nhưng cũng giống như những văn bản lần trước, Tập đoàn Sun Group vẫn ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Hướng Tâm và DNTN Nam Sơn.

Được biết, Công ty Hướng Tâm giấy phép đã hết hạn từ ngày 24/3/2016 và vẫn chưa được cấp lại. Còn DNTN Nam Sơn không được cấp phép hoạt động từ lâu. Như vậy, Tập đoàn Sun Group đã vi phạm pháp luật khi ký hợp đồng sử dụng hai công ty trên vào vận chuyển đất, đá… cũng như “giả mù, giả điếc” trước các văn bản của TP.Hạ Long. Phải chăng, Tập đoàn Sun Group đang cố tình tiếp tay cho hai đơn vị là Công ty Hướng Tâm và DNTN Nam Sơn hoạt động trái quy định pháp luật.

Đề nghị TP. Hạ Long chấn chỉnh hoạt động có liên quan của Sun Group và các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện doanh nghiệp vận tải liên quan để đảm bảo an toàn giao thông và những vấn đề môi trường.

Thời gian gần đây tình trạng các đại gia kinh tế khi triển khai các dự án đã lén lút hoặc công nhiên bất tuân các chính lệnh từ Chính phủ và chính quyền các cấp tạo nên sự hoài nghi trong dư luận, làm vô hiệu điều hành của Chính phủ và gây nên những hậu quả nghiêm trọng khác.

Nghi Sơn xả thải ra biển

Kết luận của Bộ Tài nguyên - Môi trường tại văn bản số 734/KLKT-TCMT ngày 30.8 thì Công ty Nghi Sơn đã súc rửa đường ống dẫn dầu dài 35km bằng nước biển có pha gần 32.000 lít hóa chất hydrosure và hơn 1.500 lít hóa chất CH2Na3O4, sau đó xả thẳng ra biển. Văn bản của Bộ khẳng định ấy là hành vi trái phép, không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Còn với dân, hóa chất mà có tác dụng làm sạch đường ống thì không thể bảo rằng nó vô hại được.

637a114eb079c235c7a7dff8639b52ce_Nghi_son
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa súc rửa đường ống gây ô nhiễm môi trường.

Tại sao Lọc hóa dầu Nghi Sơn dám làm vậy. Không thể bảo họ “điếc không sợ súng”. Họ hoàn toàn không “điếc” bởi họ thừa sự hiểu biết lợi hại thế nào, họ chỉ thiếu đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng thôi. Họ là thứ tiểu nhân không biết sợ. Thời xưa, con người ta cũng phải biết sợ trời, sợ quỷ thần, sợ thánh nhân, còn nay ít ra cũng phải biết sợ pháp luật, nhưng họ bất chấp. Đối với họ, mọi chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, mọi bức xúc của dân chúng, mọi bài học kinh nghiệm xương máu mà cộng đồng vừa rút ra được từ sự kiện tày trời Formosa đều chả là gì, chỉ như con số 0 tròn trĩnh. Biển khơi - nguồn sống của biết bao người, với họ chỉ như vũng nước thải vô chủ, vứt gì, đổ gì ra đó mà chẳng được. Với họ, hàng mấy chục ngàn mét khối nước thải có pha hóa chất không đổ ra biển thì đổ đi đâu. Dư luận thắc mắc, nói lắm cũng thế thôi.

Cho đến lúc này, người tiêu dùng vẫn còn kinh chưa dám dùng cá biển. Hành vi cố ý của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn chả khác gì thêm dầu vào lửa, thêm nỗi sợ sệt vào sự e ngại của dân chúng. Ai dám bảo hiện tượng cá chết hàng loạt trên vùng biển Thanh Hóa những ngày qua không liên quan gì đến việc xả thải nước độc hại của Lọc dầu Nghi Sơn. Biển rộng mênh mông, nước tưởng chừng vô tận mà con cá còn chịu chết thì phải nói độ ô nhiễm độc hại kinh khủng đến mức nào. Không vội quy kết, còn đợi kết luận của nhà chức trách, biết đâu do tảo đỏ thì sao, nhưng sự liều lĩnh táo tợn coi thường pháp luật, coi thường dư luận của công ty này thì chớ nên bỏ qua.

Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về môi trường và coi đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá doanh nghiệp cũng như xem xét việc xử phạt cũng như tồn tại của doanh nghiệp cho nên hành vi của Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm.

Mường Thanh: Thách thức dư luận

Nếu dẫn chứng về một đại gia kinh tế nhưng lại làm ăn theo kiểu chợ búa, coi thường pháp luật thì phải nói đến tập đoàn Mường Thanh với thương hiệu đại gia Lê Thanh Thản "nổi như cồn".

Khi dự án khách sạn đầu tiên của Mường Thanh Nha Trang ở phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang sắp sửa hoàn thành, Mường Thanh Nha Trang đã ngang nhiên hợp đồng với đối tác cho đào bới, san lấp bãi biển trong danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang để làm bãi tắm nhân tạo, phục vụ cho khách sạn của mình.

khach-san-o-nha-trang-01
Dự án Mường Thanh - Nha Trang.

Điều đáng nói, việc làm này được triển khai khi chưa có giấy phép của cơ quan chức năng. Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mới đi kiểm tra và đình chỉ thi công. Tưởng rằng động thái này sẽ giúp biển Nha Trang không bị xâm phạm, xử lý nghiêm chủ đầu tư làm ẩu.

Tuy nhiên, sau văn bản đình chỉ, tỉnh Khánh Hòa lại cấp phép cho Mường Thanh Nha Trang tiếp tục thực hiện việc san lấp biển. Theo giải thích của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, dù biết việc lấp biển của Mường Thanh là xâm phạm đến danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, phải xin phép Bộ VH-TT-DL, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường … nhưng sợ thủ tục xin lâu, nên tỉnh Khánh Hòa “linh hoạt” không xin phép các cấp quản lý.

Hết vi phạm danh thắng quốc gia, Mường Thanh Nha Trang tiếp tục vi phạm đến quy hoạch đã được phê duyệt của Chính phủ. Sau khi thực hiện xong dự án Mường Thanh tại phường Vĩnh Hòa, Mường Thanh Nha Trang tiếp tục thực hiện Dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang Centre (60 Trần Phú).

Dự án này có chiều cao đến 46 tầng, trong khi theo Quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025, các công trình tại trung tâm TP. Nha Trang có chiều cao công trình không quá 40 tầng.

le_thanh_than
Đại gia Lê Thanh Thản - ông chủ khối tài sản BĐS Mường Thanh.

Sau khi sự việc được phát hiện, Sở Xây dựng Khánh Hòa giải thích do dự án đã đi vào hoạt động nên không thể xử lý cắt tầng. Một công trình lớn đồ sộ nằm trên trục đường chính xây vượt 6 tầng, nhưng các cơ quan quản lý “không nhìn thấy” là điều hết sức phi lý.

Cứ tưởng những sai phạm của Mường Thanh sẽ không tiếp diễn, nhưng những lần tái phạm tiếp theo còn nghiêm trọng hơn. Vào tháng 12-2014, Dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh (số 4 Trần Phú) khởi công xây dựng. Cuối năm 2015, khi dự án này rục rịch xây dựng vượt trần (quá 40 tầng) cho phép thì báo chí phanh phui phản ánh.

Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ cho phép các công trình tại Nha Trang xây cao hơn 40 tầng để “hợp thức hóa” các công trình vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, ý kiến này không được Chính phủ đồng thuận, yêu cầu tỉnh Khánh Hòa thực hiện đúng quy hoạch đã duyệt.

Sau khi xin “vượt trần” không thành, tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Mường Thanh điều chỉnh quy hoạch dự án, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, sau một thời gian yên ắng, ngày 23-8, chủ dự án vẫn bất chấp cho công trình xây dựng lên tầng thứ 43, thách thức dư luận kịch liệt phản đối.

Sở Xây dựng Khánh Hòa đã có quyết định rút giấy phép xây dựng công trình này, sau khi ngăn chặn bằng việc cắt điện, nước bất thành.

Quyết định của Sở Xây dựng Khánh Hòa, trong vòng 60 ngày nếu chủ đầu tư không trình được giấy phép xây dựng sẽ cho phá dỡ công trình vi phạm. Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tỉnh đã giao Sở Xây dựng theo dõi và xử lý vi phạm tại dự án số 4 Trần Phú của Tập đoàn Mường Thanh. Theo ông Vinh, quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm vụ việc này.

Xử lý nghiêm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh các chỉ đạo và sự điều hành của Thủ tướng nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và bất bình trước sự coi thường pháp luật, bất tuân chỉ đạo của chính quyền địa phương của các tập đoàn như trên đã nêu.

Đã có quá nhiều bài học về việc này mà Chính phủ đang nỗ lực khắc phục như thảm họa môi trường mang tên Formosa cho nên những sai phạm của tập đoàn Sun Group, Nghi Sơn, Mường Thanh phải được ngăn chặn xử lý nghiêm ngay từ đầu.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh bằng quan hệ pháp luật là cần thiết nhưng chưa đủ, Chính phủ không thể giám sát doanh nghiệp quá chi tiết, chính doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng bằng các cam kết lương thiện tự thân.

Đây cũng chính là triết lý kinh doanh bền vững, tạo nên tên tuổi của những tập đoàn lâu đời mà Chính phủ các nước đều phải tôn trọng.

images (2)
Đại gia Lê Phước Vũ với phát ngôn gây sốc về dự án luyện thép Hoa Sen Cà Ná: "Ngu gì không làm"

Điều này tạo nên hàng lang pháp lý an toàn và môi trường cạnh tranh lành mạnh khác hẳn với kiểu làm ăn chụp giật qua phát ngôn nổi tiếng nhưng thiếu văn hóa của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen “Ngu gì không làm!”.

Hoàng Linh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.