Chủ nhật, 12/11/2023, 18:43 PM

Cải cách thể chế để vực dậy nền kinh tế

(CL&CS) - Qua nhiều con số về kết quả kinh doanh và điều tra doanh nghiệp những tháng qua cho thấy niềm tin kinh doanh đã trở lại. Nhưng với những khó khăn còn nhiều bất định thì cải cách thể chế luôn được nhận định là giải pháp tiên quyết, bền vững và lâu dài cho nền kinh tế phục hồi.

Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm. Ảnh: H.Dịu

Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm. Ảnh: H.Dịu

Nhiều tồn tại đã được chỉ ra

Các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ thời gian gần đây luôn nhận định, tình hình tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy vậy, nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó có hạn chế về thể chế đã được chỉ ra.

Báo cáo giải trình trước Quốc hội vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.

Nguyên nhân do tình hình biến động nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong khi quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung còn qua nhiều khâu, nhiều cấp; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung…

Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, hiện Quốc hội đã và đang tiếp tục thực hiện các chương trình xây dựng pháp luật với việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật theo hướng thuận lợi hơn, tiết giảm hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng có sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, những sửa đổi dường như chưa đủ, nên cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang:

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Trách nhiệm thuộc về Chính phủ, các bộ trưởng phụ trách các bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo. Tuy nhiên, khi các các bộ, ngành xây dựng nghị định, thông tư thì phải đảm bảo tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình nhưng tạo điều kiện thông thoáng khi vận hành.

Hơn nữa, đây cũng là một việc rất tốn kém thời gian khi phải đánh giá tác động sau khi chính sách ra đời. Mặt khác, thực tế thời gian qua, các bộ, ngành phải dồn rất nhiều công sức cho việc sửa những nghị định và thông tư đang có hiệu lực mà có bất cập.

Xét về thứ tự ưu tiên, việc này được ưu tiên nhiều hơn. Nên trong thời gian tới, để cải thiện tình trạng chậm ban hành văn bản pháp luật, cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm tốt công tác phối hợp và công tác đánh giá tác động cần thực hiện sớm hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời phải tăng cường năng lực, nguồn lực cho cán bộ làm công tác pháp chế.

Hơn nữa, vấn đề hiện nay là cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bởi đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để thực hiện rất nhiều việc. Phân cấp, phân quyền giúp cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, trong thời gian tới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra giám sát để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và chuyển đổi số.

(Trích lược phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 7/11)

Rà soát để “may áo mới” cho thể chế

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế trở nên ngày càng quan trọng. Thậm chí, cải cách thể chế được nhận định là còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Bởi cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp.

Chính vì thế, trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi thảo luận về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và giữa nhiệm kỳ 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của cải cách và hoàn thiện thể chế.

Góp ý về nhân tố tác động đến tăng trưởng bền vững, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã nhấn mạnh đến việc phải coi cải cách thể chế như một nguồn lực. Thậm chí, đại biểu còn đề nghị sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế và coi đây là một điểm đột phá quan trọng. Trong thể chế thì đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị đặc biệt quan tâm đến 3 nhóm thể chế về kinh tế đó là việc xác lập, bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

“Việc các ngành và địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy áo của cơ chế đã quá chật hẹp, nên cần phải rà soát đồng bộ để may áo mới cho thích hợp, thay vì vá víu và thay từng cúc áo”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu rõ.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) còn cho rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế, tiền bạc là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. “Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay được đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp. “Chúng ta cũng cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ vào ngày 8/11 vừa qua, đại biểu Quốc hội cũng đã đặt câu hỏi về những ưu tiên của cải cách thể chế cho những phát triển đột phá trong thời gian tới. Trả lời về nội dung này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đảng, Nhà nước đã xác định 3 đột phá chiến lược là: thể chế, hạ tầng, nhân lực. Theo Thủ tướng, việc lựa chọn các ưu tiên cần hài hòa, hợp lý, phù hợp từng giai đoạn theo chủ trương của Đảng.

 

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Cải cách thể chế là tiên quyết

Để tháo gỡ khó khăn cần mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần những chính sách căn cơ, lâu dài. Bởi nếu không có cơ chế vận hành thể chế tốt, sẽ khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường phối hợp theo quy định pháp luật để tạo ra sức mạnh tổng lực giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Cần khuyến khích nguồn lực từ tư nhân

Chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ giúp cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đầu tư công, cùng với đó là hiệu quả từ các chính sách tài chính và tiền tệ. Nhưng còn nhiều vấn đề có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.

Những “lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa bằng cách cải tổ chính sách khuyến khích nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao.

PV (ghi)

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

'Sợi dây huyết mạch' gần 22.000 tỷ nối Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung dự kiến 'khơi thông' năm 2027

'Sợi dây huyết mạch' gần 22.000 tỷ nối Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung dự kiến 'khơi thông' năm 2027

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:27

Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là tuyến đường cao tốc đầu tiên kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung dự kiến 'sợi dây huyết mạch' quy mô vốn gần 22.000 tỷ đồng sẽ được hoàn thành vào năm 2026.

Bộ Xây dựng kiểm đếm hàng chung cư tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc

Bộ Xây dựng kiểm đếm hàng chung cư tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:24

Lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý I/2024 vào khoảng 23.029 căn.

Lộ diện 3 tuyến cao tốc nghìn tỷ đồng sẽ hoàn thành vào năm 2025

Lộ diện 3 tuyến cao tốc nghìn tỷ đồng sẽ hoàn thành vào năm 2025

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:01

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu 3 tuyến cao tốc này hoàn thành vào dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9/2025.