Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân
(CL&CS)- Nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số cần được đặc biệt chú trọng.
Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, sự bùng nổ của internet, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam đã tạo nên sự thay đổi đồng bộ về nhận thức và hành vi của cả cộng đồng.
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số đem lại cho xã hội hiện đại, tuy nhiên nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số cần được đặc biệt chú trọng.
Song để thực hiện được nhiệm vụ này, bên cạnh các lực lượng chuyên trách về an toàn thông tin, còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân... với việc thay đổi nhận thức, cách làm để cùng gìn giữ môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
An toàn thông tin không đồng tốc với chuyển đổi số
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trung bình mỗi người Việt Nam hoạt động trực tuyến khoảng 7-8 tiếng. Thời gian này càng gia tăng thì nguy cơ mất an ninh thông tin mạng lại càng cao hơn. Nhất là trong bối cảnh tình hình an ninh thông tin ở Việt Nam đã và đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ đối với an ninh con người, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.Gần 1.300GB dữ liệu chứa hàng tỷ thông tin của tổ chức, doanh nghiệp, người dân được mua bán trái phép.
Còn khảo sát năm 2022 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tại 135 tổ chức, doanh nghiệp trong nước cho thấy, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp có 1 đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ do tấn công mạng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 11 tháng năm 2022, Cục đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021; 2.063 website vi phạm (trong đó có 1.255 website lừa đảo) bị ngăn chặn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin; mới chỉ có 54,8% hệ thống thông tin đã phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
Ông Lê Quang Hà, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel
Lý giải về thực trạng bảo đảm an toàn thông tin hiện nay, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel Lê Quang Hà cho rằng, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, song an toàn thông tin cho chuyển đổi số lại chưa theo kịp. Sự không đồng tốc này nằm ở 3 vấn đề: Nhận thức và cách làm; nguồn lực cho chuyển đổi số còn hạn chế; công nghệ an toàn thông tin không theo kịp.
Thay đổi nhận thức, tạo ra sản phẩm an toàn thông tin
Về giải pháp, ông Lê Quang Hà đề xuất, việc chuyển đổi số phải gắn với chiến lược về an toàn thông tin, từ đó thay đổi nhận thức và cách làm. Nói cách khác, trước hết phải chuyển đổi số trong chính lĩnh vực an toàn thông tin; tổ chức lực lượng an toàn thông tin trong lực lượng chuyển đổi số, đưa an toàn thông tin vào sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số.
Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ, Phó Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT) Đào Gia Hạnh chia sẻ, những năm gần đây, FPT đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời tập trung đào tạo nhân lực an toàn thông tin. “Các giải pháp bảo mật của FPT bảo vệ toàn diện tài sản số của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia giao dịch, dịch vụ trên môi trường số”, ông Đào Gia Hạnh nói.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An ninh an toàn CMC Hà Thế Phương cho hay, các doanh nghiệp công nghệ trong nước hoàn toàn có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng chất lượng cao.
Mong muốn chung tay nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dùng internet tại Việt Nam, ông Shash Hegde, chuyên gia an toàn thông tin cao cấp, khối dịch vụ khách hàng công của Google châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Google bắt đầu từ những sáng kiến ở từng quốc gia để nâng cao nhận thức cho người dùng internet.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa, năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm kỷ cương, tuân thủ quy định về an toàn thông tin. Theo đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm hệ thống thông tin theo cấp độ. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2024, các hệ thống thông tin không đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn sẽ phải dừng vận hành. “Năm 2023 lấy chủ đề dữ liệu số, với một số nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bảo vệ dữ liệu, nâng cao nhận thức, liên minh tuyên truyền và tổ chức chiến dịch tuyên truyền”, ông Trần Đăng Khoa thông tin.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, vấn đề gốc, cốt lõi nhất là làm sao để người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là cần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho đông đảo người dân. Và để đông đảo người dân ý thức, quan tâm đến vấn đề này thì hoạt động tuyên truyền cần phải đáp ứng tốt nhất. Việc liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thành lập vừa qua là để thực hiện mục tiêu này.
Khẳng định không lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết việc “quản” khối lượng công việc khổng lồ trên không gian mạng, song Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức để hiểu việc bảo đảm an toàn không gian mạng là trách nhiệm phải chủ động vào cuộc của tất cả bộ, ngành, địa phương, theo nguyên tắc “thực sao ảo vậy”. Nghĩa là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.
Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan chức năng mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân vì đó cũng là cách để chúng ta tự bảo vệ lợi ích của chính mình.
Trung Kiên
Bình luận
Nổi bật
Bắc Giang: Tiêu hủy trên 70.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm vi phạm có trị giá 1,7 tỷ đồng
sự kiện🞄Thứ hai, 14/10/2024, 21:25
(CL&CS) - Mới đây, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho hay, đơn vị này vừa tiến hành tiêu hủy số lượng hơn 70.000 sản phẩm hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm các loại, có tổng giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng.
Bạc Liêu phổ biến pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ
sự kiện🞄Thứ tư, 18/09/2024, 14:04
(CL&CS)- Phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thẩm tra sơ bộ dự án sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
sự kiện🞄Thứ ba, 13/08/2024, 15:11
(CL&CS)- Sáng ngày 9/8, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT).
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.