Có thể xuất siêu tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái nhưng ngay giữa đại dịch và vô vàn khó khăn của kinh tế thế giới thì con số xuất siêu 10 tỷ USD của Việt Nam tính đến 15/8 được xem là “ điểm sáng”.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15/8, tính lũy kế từ đầu năm, cả nước đã xuất siêu hơn 10 tỉ USD, cao hơn 3 lần so cùng kỳ năm ngoái 15.8.2019, Việt Nam xuất siêu 2,93 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 160,24 tỉ USD, tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,16 tỉ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập khẩu lại giảm dẫn đến thặng dư thương mại tăng mạnh. Căn cứ vào số liệu của ngành hải quan thống kê như trên thì có thể thấy xuất siêu tăng mạnh chủ yếu do nhập khẩu giảm. Không chỉ vậy, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu từ ngày 1 - 15/8 đạt 12,68 tỉ USD, tức giảm 9% (tương ứng giảm 1,25 tỉ USD về số tuyệt đối) so với nửa cuối tháng 7/2020.
Không ít chuyện gia kinh tế cho rằng chưa thể vội mừng với con số trên vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp dẫn đến kinh tế thế giới có thể còn suy thoái kéo dài. Tuy nhiên, một tín hiệu tốt khác là nhiều nước đã quay sang đặt hàng từ Việt Nam, nhất là trang thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch thay vì các quốc gia đang vướng các lệnh cấm vì “ chiến tranh thương mại” hay bảo hộ hàng hóa. Khi Việt Nam đáp ứng được các đơn hàng vốn hiếm hoi gần đây và những yêu cầu khắt khe thì khi đại dịch được kiểm soát sẽ nhanh và dễ thoát ra khỏi tình trạng suy giảm hơn.
Bên cạnh con số đáng khích lệ trên thì “nội lực” của nhiều DN trong nước cũng được cải thiện đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) trong 7 tháng của năm giảm gần 5% trong khi khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%. Về nhập khẩu, 7 tháng, khối DN FDI cũng giảm nhập gần 11% trong khi DN trong nước chỉ giảm 3%.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, với việc Hiệp định Thương mại Tự do Vietnam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, đã mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm tại châu Âu, EVFTA sẽ nhanh chóng được thực thi và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU.
Tác động và hệ quả của EVFTA đối với DN VN như thế nào có lẽ phải đến giữa năm sau hoặc lâu hơn nữa sau dịch bệnh nhưng hiện tại đang có ý nghĩa “ tinh thần” rất lớn cùng sự chuẩn bị từ bây giờ.
Còn quá sớm để nói rằng kinh tế Việt Nam và nhất là khối DN, đã vượt qua được đại dịch hay chúng ta đã biến nguy thành cơ hội cho sản xuất, xuất khẩu. Nhưng bức tranh u ám mà COVID-19 “vẽ ra” không phải là điều không thể gạt sang một bên để bước tới nếu tận dụng tốt những cơ hội đã có và đang đến và con số xuất siêu 10 tỷ USD là một minh chứng sống động.
Phan Nguyễn