Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng

(CLCS) - Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong hơn 2 tháng đầu năm 2020 nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng.

 

Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Kim Ngọc

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/3/2020 đạt gần 93 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3 năm nay chưa bị ảnh hưởng nhiều do thời điểm này dịch bệnh chưa bùng phát mạnh ở Mỹ.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị gián đoạn. Nhu cầu nhập khẩu cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc Dịch vụ Thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ... để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

Với kịch bản tích cực nhất, nếu hết quý II/2020, dịch Covid-19 ở Mỹ được khống chế, kết quả cuối cùng thuế CBPG giai đoạn POR 14 vẫn khả quan như POR13 thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng 3% đạt khoảng 675 triệu USD trong năm 2020.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Mỹ nhập khẩu 51.564 tấn tôm, trị giá 439,7 triệu USD trong tháng 2/2020, tăng 20% về giá trị và khối lượng so với tháng 2/2019. Giá nhập khẩu trung bình đạt 8,53 USD/kg, giảm 0,16 USD/kg so với tháng 1/2020 nhưng tăng 0,05 USD/kg so với tháng 2/2019.

Một số chuyên gia dự đoán, nhập khẩu tôm của Mỹ tháng 3/2020 sẽ không duy trì được đà tăng do Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ còn đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa ở Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi cũng gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống. Do các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh của Chính phủ Ấn Độ, một số nhà chế biến có thể chỉ hoạt động 50% số lượng công nhân.

Nguyễn Ngọc

Nên đọc