Xuất khẩu dệt may bật tăng cao
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay.
Trong quý 1/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%…
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỷ USD.
Dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 của thế giới tăng khoảng 3%. Hơn nữa, các đối tác bày tỏ sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực khắc phục, đáp ứng các đơn hàng trong hoàn cảnh nhiều thách thức.
Trong báo cáo ngành dệt may 2022, CTCK Mirae Asset đánh giá triển vọng ngành dệt may ở thị trường lớn là Mỹ, EU.
Mirae Asset kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ năm 2022 có thể đạt 18 tỷ USD trong năm nay, tương ứng với mức tăng gần 17%, trong bối cảnh tăng trưởng GDP Mỹ đạt 5,7% trong năm 2021 và hoạt động bán lẻ thời trang ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 4/2021.
Còn tại thị trường EU, Mirae Asset cho rằng xuất khẩu may mặc Việt Nam vào EU trong năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức quanh 3 tỷ Euro mặc dù nền kinh tế khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 5,2% trong năm 2021, trở về quy mô cuối năm 2019 và hoạt động bán lẻ hàng thời trang tiếp tục phục hồi.
Ngoài các thị trường lớn như Mỹ, EU, xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có tín hiệu khả quan.
Mirae Asset cho rằng nhu cầu ở các thị trường chính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường sẽ là động lực cho ngành dệt may năm 2022.
Ngoài ra, các FTA tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó với CPTPP, năm 2022 là năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực ở 8/11 nước thành viên hiệp định, trong đó có các thị trường quan trọng của dệt may Việt Nam như Australia, Nhật Bản, Canada.
Hầu hết các mặt hàng may mặc sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0% từ năm nay, đây là một động lực lớn hỗ trợ giá trị xuất khẩu của hàng may mặc Việt Nam.
Với EVFTA, mặc dù hiện tại phần lớn sản phẩm may mặc, thời trang của Việt Nam vẫn phải chịu thuế nhập khẩu vào EU, nhưng thuế suất được giảm dần theo từng năm cũng sẽ hỗ trợ và tăng dần khả năng cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam ở EU.
Các doanh nghiệp hồ hởi báo lãi
Nhiều yếu tố tốt hỗ trợ nên ngay trong quý đầu năm nhiều doanh nghiệp dệt may đã liên tục báo lãi. Dẫn đầu trong loạt doanh nghiệp dệt may đã niêm yết, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex- mã: VGT) cho biết tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong quí 1 đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ, bằng 39,6% kế hoạch cả năm. Trong đó, ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thu về gần 200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu đạt 18.067 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế ước đạt 951 tỷ đồng, giảm 28%. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận quý I lần lượt đạt 27% và 35% kế hoạch cả năm 2022.
Đại diện Vinatex cho biết, có được kết quả này là nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết các đơn vị sợi của tập đoàn đã có được các đơn hàng với giá bán tốt, cộng thêm việc dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những quyết sách phù hợp, dự trữ được lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả kinh doanh rất tích cực.
Tiếp đến, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex – mã GIL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 với doanh thu thuần tăng 64% lên gần 1.417 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 19% xuống còn 17% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 245 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
GIL cho biết sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ doanh thu khởi sắc và có thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.
Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), doanh thu bán hàng trong quý 1 đạt 640 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 76,3 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
STK cho biết, trong quí 1, thị trường phục hồi tốt sau khi tình hình dịch bệnh đã được ổn định, các khách hàng tại thị trường trong nước và xuất khẩu đều đưa công suất hoạt động trở lại với mức trước dịch. Do đó, STK đã nắm bắt cơ hội đẩy mạnh các hoạt động nhận đơn hàng, sản xuất đơn hàng theo yêu cầu, đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá bán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.