Thách thức mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tưởng Lê Văn Thành chủ trì ngày 13/11, cho biết, ũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó XK ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch XK nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ XK nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh. Tháng 8, kim ngạch XK ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 07/2021.
Bộ NN&PTNT nhận định, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đạt kim ngạch XK 32,13 tỷ USD nhờ những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành; đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động vượt khó của DN, hiệp hội ngành hàng tận dụng xu hướng phục hồi các hoạt động, dịch vụ, tiêu dùng từ các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, EU) do tỷ lệ tiêm vaccine cao. Tuy nhiên, mục tiêu XK nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Một loạt khó khăn cho sản xuất và XK nông sản được ngành nông nghiệp báo cáo với Phó Thủ tưởng.
Trước hết là nguồn vốn. Phần lớn người sản xuất, DN chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng; chi phí sản xuất phát sinh quá lớn (các DN gỗ tăng khoảng 20-30%), nhiều DN khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, DN phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn;
Về lưu thông khó khăn nhất hiện nay là vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế. Một số chốt kiểm tra ở một vài thời điểm vẫn bị ùn tắc giao thông dẫn đến vận chuyển hàng tươi sống không được thuận lợi. Một số địa phương (4 tỉnh) còn quy định không cho xe ngoài tỉnh vào và hàng hóa phải sang xe rất khó khăn cho việc bốc vác, tăng nhiều chi phí (trọng tải 10-20 tấn đặc biệt là động vật sống). Có địa phương bắt buộc lái xe và người ngồi trên xe phải đã tiêm phòng và phải có kết quả phân tích PCR không chấp nhận test nhanh.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các DN, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh chi phí lớn; nhiều DN không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức này. Việc triển khai “3 tại chỗ” còn chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, khu vực, các đối tượng và lĩnh vực sản xuất.
Đặc biệt, nhân lực phục vụ sản xuất, chế biến nông sản tại các nhà máy gặp khó khăn do một lực lượng lao động lớn trở về địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội. Việc tuyển dụng lại lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn giãn cách sẽ rất khó khăn cho DN.
Với việc xuất hiện các trường hợp F0 tại các cơ sở sản xuất, chế biến khiến nhiều DN phải dừng hoạt động để đảm bảo không lây lan dịch bệnh hoặc do nằm trong khu vực phải cách ly, phong tỏa, dẫn đến tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng. Hơn nữa, nhiều DN không có nhân viên y tế nên gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu kép, phát sinh các chi phí y tế lớn khiến DN càng khó khăn.
Một khó khăn nữa được kể đến là chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, nhiều DN gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm nông sản ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Chi phí vận tải biển tăng cao lên 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần ở một số chặng mà DN không đặt được tàu và công-ten-nơ để XK. Việc thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động, hướng dẫn tại một số địa phương còn chưa sát thực tế, gây khó khăn cho các DN xuất NK.
Cùng với đó là chi phí nguyên liệu và vật tư đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, Giá vật tư như thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng từ 16-30%; Chi phí điện, nước cho sản xuất, kho lạnh, chi phí lưu kho và nhiều chi phí khác tăng. Nhiều DN dừng sản xuất vẫn phải tiếp tục đóng các khoản chi phí (lương cho công nhân khi nghỉ dịch bệnh, chi phí test COVID, phí công đoàn, BHXH). Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản giảm sâu khiến sản xuất và thương mại của ngành nông nghiệp, giảm sút cả về lượng và giá trị, giá bán sản phẩm có loại chỉ bằng 30% giá thành.
Ngoài ra, khu vực HTX nông nghiệp bị tác động nặng nề. Đến nay có 80-90% số HTX nông nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách đã bị giảm doanh thu, trong đó khoảng 30% số HTX giảm từ 50% đến 70% doanh thu; 40% số HTX giảm từ 30% đến 50% và 20% còn lại ít bị ảnh hưởng hơn. Khoảng 1/2 lao động thường xuyên của HTX bị giảm hoặc cắt lương.
Một thực tế nữa là nhu cầu tiêm vac-xin cho công nhân sản xuất, chế biến, thu hái, đóng gói, thu mua, vận chuyển lưu thông hàng hóa rất cao, nhưng hiện vac-xin chỉ mới đáp ứng được 10 -15% cho mũi thứ nhất…
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp để đảm bảo chủ động nguồn cung lương thực – thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và XK những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, những khó khăn trên cần được Chính phủ và các Bộ ngành chung tay thảo gỡ…