Áp lực từng nhịp đập thị trường
Liên tiếp trong những năm qua, dù phải vượt qua những rào cản của thị trường, kể cả "cú sốc” đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu vẫn cán đích ấn tượng với con số năm 2021 là 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước đó; năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, sang năm 2023, áp lực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đến từ cả 3 kênh: kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng giảm sút, tổng cầu giảm, tác động đến xuất khẩu; kênh đầu tư quốc tế khi lãi suất thế giới tăng khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài, tạo ra sự giảm sút về giá trị đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; kênh tài chính tiền tệ tạo ra áp lực mất giá đối với đồng tiền Việt Nam, khiến cho nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao hơn và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Ngay từ tháng đầu tiên của năm 2023, và liên tiếp các tháng tiếp theo, xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch giảm...
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, năm 2022 mang về 44 tỷ USD, tăng trưởng 8,8% so với năm trước, nhưng bước sang năm 2023, đây lại là một trong những gánh chịu cơn “bão táp” sụt giảm.
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, chưa có năm nào ngành dệt may gánh chịu mức sụt giảm như năm nay. “Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40 tỷ USD, so với năm 2022 giảm tới 4 tỷ USD”. Ông Trương Văn Cẩm phân tích, một trong những nguyên nhân chính là do tình hình xung đột chính trị trên thế giới leo thang và lan rộng, tác động tới nhiều nền kinh tế nhập khẩu dệt may lớn của nước ta, khiến cho sức mua sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, Hoa Kỳ dù vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam nhưng trong 10 tháng năm 2023, giảm 19,3% so với 2022, đây là thị trường chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Không chỉ dệt may, thủy sản cũng là một trong những ngành xuất khẩu lao đao trong năm qua. Sau khi đạt mức tăng ấn tượng và lần đầu cán mốc chục tỷ USD vào năm ngoái, xuất khẩu thủy sản năm 2023 đã không lặp lại được kết quả này. Bức tranh toàn cảnh về xuất khẩu thủy sản Việt Nam được phủ gam màu tối khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”, dù những tháng cuối năm có xu hướng phục hồi, nhưng theo ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ thấp hơn mục tiêu đã đặt ra (10 tỷ USD), giá trị xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD.
Nhiều ngành hàng chủ lực khác cũng không giữ được đà tăng trưởng như những năm trước. Đơn cử như xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, đóng vai trò là động lực tăng trưởng xuất khẩu nhưng các con số thống kê cho thấy 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt gần 274 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ, gồm: điện thoại các loại và linh kiện đạt 48,83 tỷ USD, giảm 11%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 39,4 tỷ USD, giảm 6,2%; dệt may đạt 30,27 tỷ USD, giảm 12,7%; giày dép các loại đạt 18,2 tỷ USD, giảm 17,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,6%. Chỉ có 2 mặt hàng trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD có kim ngạch xuất khẩu tăng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Vươn lên từ gian khó
Xuyên suốt cả năm 2023, những khó khăn về tình hình xuất khẩu ở nhiều ngành hàng đã được được nhìn thấy rõ, nhưng trong đó vẫn có những ngành hàng vươn mình trở thành trụ đỡ cho xuất khẩu; nhiều lối đi mới đã được mở, xuất khẩu không còn bó gọn ở những thị trường truyền thống.
Điểm sáng trong xuất khẩu năm 2023 phải kể đến nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây đã tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng của năm 2023, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng của 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2022. Với kết quả này, xuất khẩu rau quả về đích sớm hơn so với mục tiêu đề ra và cũng là lần đầu tiên rau quả dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê để lập kỉ lục mới trong năm 2023.
Tương tự, gạo cũng là ngành hàng liên tiếp lập kỉ lục mới, khi chỉ trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đã vượt hơn 4 tỷ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đến hết tháng 11, xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 47,84 tỷ USD, vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13% so với tháng 11/2022. Thặng dư thương mại ngành đạt 10,55 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến thời điểm tháng 11/2023, ngành nông nghiệp đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, sản phẩm. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng, bên cạnh một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm sâu. Có thể khẳng định, gạo và rau quả đang là hai con “át chủ bài” của ngành nông nghiệp trong năm 2023.
Sức chống chịu đối với những khó khăn còn được thể hiện rõ ở biên độ suy giảm xuất khẩu thu hẹp dần, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 5,9% trong 11 tháng của năm 2023. Bộ Công Thương đánh giá xuất khẩu đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm (như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản) nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng. Mức giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực dần được thu hẹp so với nửa đầu năm. Đơn cư như mức giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ thu hẹp từ 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống 13,1%; sang EU thu hẹp từ 10,1% xuống 8,1%; sang Hàn Quốc thu hẹp từ 10,2% xuống 4%...). Đáng chú ý, mức giảm xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 2,2%) thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô, giảm 7,1%), cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Tính chung cả năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD. Mức độ suy giảm trong xuất khẩu thu hẹp từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,6% của cả năm 2023.
Nhìn lại diễn biến tình hình xuất khẩu năm 2023 cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; cùng với sự chủ động, tích cực thích ứng với tình hình của cộng đồng doanh nghiệp đã mang lại những kết quả xuất khẩu tích cực cho cả năm. Những kinh nghiệm “vượt sóng” để nỗ lực thu hẹp đà giảm sẽ tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phục hồi vào đạt những mục tiêu cao hơn trong năm 2024.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Xuất khẩu rau quả “bứt phá”, dẫn đầu ngành nông Theo dự báo từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ đạt khoảng 5,5 - 5,6 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Với kết quả này, nhóm rau quả lần đầu tiên dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê. Cùng với đó, cuối năm là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm, tiêu dùng nên tình hình xuất khẩu ngành hàng này được dự báo có thể tăng trưởng hơn nữa. Hiện Trung Quốc đứng đầu thị trường nhập khẩu rau quả nước ta khi chiếm đến 66% thị phần. Do đó, việc nước này mở lại một số cửa khẩu từ đầu năm nay, cùng với những Nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng. Trong đó, sầu riêng và mít là 2 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường này. Người nông dân ngày càng biết cách trồng theo hướng nông nghiệp tốt, VietGAP, chất lượng tăng, số lượng tăng, mã số vùng trồng của chúng ta sẽ được cấp thêm. Vì vậy sang năm nếu không có gì đột biến thì có khả năng kim ngạch của chúng ta chắc chắn trên 6 tỷ USD hoặc hơn nữa. Tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ hơn từ phía nước nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ quy định, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt tuân thủ quy định về quản lý an toàn thực phẩm. Xuân Thảo (thực hiện) Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa): Xuất khẩu cà phê năm 2024 có thể thiết lập kỷ lục mới đạt 4,5 - 5 tỷ USD Tính chung 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng của năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với cùng kỳ năm 2022, thì xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Mexico, Hà Lan, Indonesia… tăng mạnh. Với cà phê Arabica, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica sang các thị trường Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan… Lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 dự kiến đạt khoảng 1,72 triệu tấn, trị giá hơn 4,2 tỷ USD. Đây là kỷ lục mới trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhiều năm qua. Từ nay đến giữa năm sau, nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục hưởng lợi bởi đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tích trữ nên giá cà phê khó đi xuống. Tính cả niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD nhờ giá tăng trong khi sản lượng giảm. Niên vụ 2023/2024, lượng tiêu thụ cà phê nội địa dự kiến tiếp tục tăng, tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan ước tính 100.000 tấn thành phẩm/năm, tương đương 230.000 tấn cà phê nhân và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng công suất nhà máy. Trong năm 2024, thị trường cà phê rang xay chế biến, tiêu thụ nội địa ổn định, dự kiến đạt khoảng 150.000 tấn. Tổng lượng cà phê nhân tiêu thụ nội địa có thể tăng lên mức 350.000- 400.000 tấn/năm nếu các nhà máy cà phê hòa tan đạt hết công suất. Do sản lượng giảm cộng với nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 4,5 - 5 tỷ USD. Niên vụ trước, ngành cà phê Việt Nam cũng đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD dù sản lượng giảm. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi Diện tích lúa năm nay khoảng 7,1 triệu ha, năng suất 60,8 tạ/ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn, tăng 420.000 tấn so với năm 2022. Tỷ trọng các giống thơm, đặc sản hiện chiếm phần lớn và được giữ xuyên suốt qua các vụ. Về thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm khoảng 35% thị phần. Trong 11 tháng năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 2,63 triệu tấn gạo, tương ứng 1,41 tỷ USD; tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Dự báo đến hết năm 2023, Philippines sẽ nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó 90% là từ Việt Nam. Về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi. Do đó, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.Cụ thể, ngành lúa gạo Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn, trung tâm logistic, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn và bền vững, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, tăng cường chế biến sâu, thúc đẩy logistics phát triển thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu với cơ cấu giống phù hợp, chủ lực theo chiến lược xuất khẩu gạo (gạo đặc sản, gạo thơm, gạo chất lượng cao…). Các doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề chất lượng thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như trước đây. |