Xuất khẩu gạo Việt Nam cần “giảm lượng, tăng chất”

(NTD) - Ngày 13/12, tại TPHCM, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo: “Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh việc sản xuất gạo chất lượng cao thay vì tăng sản lượng gạo xuất khẩu qua từng năm.

Được biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng đang đưa ra nhiều chính sách kiểm soát chất lượng theo đường chính ngạch và hạn chế đường tiểu ngạch. Trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới là gạo chất lượng cao, giá cạnh tranh. Đó chính là lý do vì sao giá trị xuất khẩu gạo 5 năm (2012-2016) liên tục giảm. Lượng gạo hàng hóa còn thừa so với xuất khẩu trong 4 năm liên tiếp (2013-2016) từ 1,5-2,2 triệu tấn.

Ảnh minh họa - Internet

Ngoài ra, nhiều chuyên gia nhận định việc sản xuất lúa gạo hiện nay tại Việt Nam đang gặp trở ngại về nguồn nước, do xâm nhập mặn ngày càng gay gắt làm tăng sự thoái hóa đất và hệ sinh thái, giảm hiệu suất sử dụng đất, tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, định hướng phát triển ngành lúa gạo cần tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng với giá thành cạnh tranh. Cân đối sản lượng lúa gạo hàng hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Về xuất khẩu, trong ngắn hạn đến 2020 sản lượng từ 3-4 triệu tấn/năm, sau 2020 từ 2-3 triệu tấn/năm thay vì 7-8 triệu tấn/năm như hiện nay.

Hơn thế nữa, cần định nghĩa lại an ninh lương thực trên nhu cầu tiêu dùng gạo khi cuộc sống được nâng cao, từ đó thay đổi tư duy, thay vì làm 3-4 vụ/năm, chỉ cần 2 vụ/năm.

Lê Khoa

Nên đọc