Năm 2020, sản phẩm chả cá, surimi chỉ chiếm 3,9% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, năm nay nhờ hồi phục mạnh tỷ trọng của sản phẩm này lên tới 4,8%. Dịch Covid được coi là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu sản phẩm chả cá, surimi tăng ở các thị trường.
Cá nguyên liệu được rửa, phi lê, xay nhỏ, băm nhuyễn và phối trộn các nguyên liệu phụ, định hình, xử lý nhiệt sẽ cho sản phẩm được gọi là surimi. Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thống như giò cá, chả cá của Việt Nam cũng là thịt cá xay nhưng không được gọi là surimi.
Việt Nam xuất khẩu chả cá, surimi sang khoảng 40 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên tỷ trọng lớn chủ yếu ở 3 thị trường: Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, chiếm lần lượt 23%, 21% và 13%. Trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc tăng nhẹ 6% và 7% thì xuất khẩu sang Thái Lan tăng vọt 39%.
Top 3 thị trường tiếp theo gồm Nhật Bản, Nga và Malaysia, chiếm lần lượt 9,5%, 7,5% và 7% tổng xuất khẩu chả cá, surimi của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu sang 3 thị trường này đều tăng mạnh: sang Nhật Bản tăng 26%, sang Nga tăng 68% và sang Malaysia tăng 52%.
Ngoài ra, xuất khẩu sang một số thị trường có mức tăng trưởng đột phá, như sang Belarus tăng gấp hơn 12 lần, sang Mỹ tăng 172%, sang Lithuana tăng 111%...
Các sản phẩm chả cá, surimi của Việt Nam sản xuất chủ yếu từ các loại cá biển gồm: cá đổng, cá mối và các loại cá tạp, cá xô khác.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chả cá và surimi. Đứng đầu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dalu Surimi, chiếm khoảng 12% doanh số bán surimi của cả nước. Tiếp đến là Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), chiếm 9% và Công ty CP Thủy sản Tắc Cậu chiếm 7%.