Xuất khẩu cá tra chịu nhiều áp lực

(CL&CS) - Sản xuất và xuất khẩu cá tra đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 5/2023 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm nhiều thị trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 5/2023 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm nhiều thị trường. Do đó tính lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 giảm 40%.

Biến động của thế giới như chiến tranh, và tình hình lạm phát toàn cầu khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 5/2023 đạt giá trị 160 triệu USD, giảm 36% so với tháng 5/2022.

Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 đạt 730 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, tính đến hết tháng 5/2023, Trung Quốc & HongKong tiếp tục dẫn đầu về giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị 233 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ đơn lẻ cá tra lớn nhất với 217 triệu USD.

Đứng ở vị trí thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam là thị trường Mỹ với 118 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 5/2023, thị trường này cũng giảm 53% và chỉ đạt 32 triệu USD. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có chiều hướng sụt giảm từ quý cuối năm 2022 và tiếp đà giảm trong 5 tháng đầu năm nay do lượng tồn kho còn nhiều.

Xếp ở vị trí thứ 3 về nhập khẩu cá tra Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 là thị trường CPTPP với tổng giá trị nhập khẩu đạt 94 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mexico tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong khối về NK cá tra từ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đó là Singapore, Canada, Nhật Bản.

Trong khi hầu hết các thị trường trong khối đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam, duy nhất Singapore ghi nhận tăng trưởng dương 16% với giá trị 15 triệu USD.

Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 77 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường trong khối giảm từ 23% - 30%, trừ thị trường Đức vẫn ghi nhận tăng trưởng cao với 67% bất chấp lạm phát. Người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm đông lạnh để tiết kiệm chi phí. Nhiều thị trường trọng điểm trong khối EU giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Hà Lan giảm 27%, Bỉ giảm 24%, Tây Ban Nha giảm 31%,..

Ngoài EU, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính khác cũng sụt giảm như: sang Brazil giảm 24%, sang Thái Lan giảm 48%, sang Colombia giảm 30%. Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Anh và Saudi Arabia có thể coi là những tín hiệu tích cực bên cạnh thị trường Đức khi tăng trưởng lần lượt là 8% và 50%. 

Xuất khẩu tất cả các sản phẩm cá tra Việt Nam đều sụt giảm. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) đạt 603 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, giảm 44%; xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) đạt 115 triệu USD, giảm 7%; XK cá tra chế biến (mã HS 16) đạt 11 triệu, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo VASEP, những tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu kéo dài cùng với lượng tồn kho đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường trong suốt 5 tháng đầu năm 2023. Sản xuất và xuất khẩu cá tra đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.

Khi doanh nghiệp giảm doanh số thì các nhà máy thức ăn, con giống cũng bị giảm sản lượng sản xuất. Vì vậy, các bên nên cùng phải hợp tác, đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng mong Chính phủ và các bộ ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời về gói hỗ trợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay giúp doanh nghiệp có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này.

TIN LIÊN QUAN