Xuất khẩu cà phê mang về hơn 4 tỷ USD

(CL&CS) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021.

Ngành cà phê Việt Nam đã trải qua một năm “bùng nổ” với kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục,

Về thị trường xuất khẩu, năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường chính có xu hướng tăng so với năm 2021 như Nga tăng 26,5%, Anh tăng gần 40%, đặc biệt Ấn Độ tăng 123,5%, Mexico tăng 18 lần.

Mặc dù vậy, sự sụt giảm ghi nhận ở các thị trường như Mỹ (-3,5%), Nhật Bản (-2,5%), Trung Quốc (-19,3%)…

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU gồm Đức (đạt 224.723 tấn, giảm 0,9%); Italy (đạt 139.271 tấn, tăng 8,5%); Bỉ (đạt 121.865 tấn, tăng 101,5%); Tây Ban Nha (đạt 114.024 tấn, tăng 71,7%)...

Nhu cầu của thị trường EU tăng cao là yếu tố quan trọng góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam tiến đến kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022.    

Thời gian qua, lạm phát tăng cao tại khu vực nhưng xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Trong tháng 12 năm ngoái xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 72.081 tấn.

Lạm phát khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tìm đến các sản phẩm có giá rẻ hơn. Điều này thúc đẩy các nhà rang xay trong khu vực gia tăng nhập khẩu cà phê robusta có giá thấp hơn arabica. Đây được cho là cơ hội đối với ngành cà phê Việt Nam với vai trò là quốc gia sản xuất robusta số một thế giới.

Bên cạnh đó, lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU hiện nay là các yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm ngày càng gia tăng. Mới đây nhất, ngày 6/12/2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EU đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê.

Cùng với thị trường EU, việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát Covid-19 từ ngày 8/1/2022 cũng là cơ hội cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng vào thị trường này trong thời gian tới.

Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, bước sang năm 2023 doanh số xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ chậm lại do nguồn cung không dồi dào như năm trước, trong khi giá cà phê có xu hướng giảm do cung - cầu thế giới chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.

TIN LIÊN QUAN