Xuất hành đầu Xuân: Chuyện của hàng không Việt Nam

(NTD) – Đi chơi xa trong ngày đầu năm mới là thói quen mới hình thành của người Việt trong hai năm vừa qua. Thói quen này tác động đến sự phát triển của ngành hàng không và du lịch Việt Nam.

Quầy thủ tục của Bamboo Airways ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày mùng một Tết. Sau Bamboo Airways, dự kiến vào tháng 6/2019, thị trường hàng không nội địa Việt Nam sẽ chào đón thành viên thứ sáu: Hãng hàng không liên doanh AirAsia - Thiên Minh Group. (Ảnh: Ricky Hồ) 

“Lệch đầu” trong dịp Tết

Số liệu của Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất cho thấy, ngày 2/2 tức hôm 28 Tết, sân bay này đạt số lượng kỷ lục 900 chuyến bay cất cánh và hạ cánh, tăng gần 9% so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.

Trong ngày đỉnh điểm này, Vietnam Airlines có 320 chuyến, VieJet Air 270 chuyến, Jetstar Pacific 110 chuyến, Vasco 24 chuyến và Bamboo Airways vài chuyến. Còn lại là của các hãng hàng không nước ngoài.

Ngày 10/2, tức mùng sáu Tết sắp tới cũng sẽ là ngày đỉnh điểm của sân bay tấp nập nhất Việt Nam khi số chuyến bay đăng ký đạt 890 chuyến, tăng gần 7% so với Tết năm trước.

Khoảng thời gian trước ngày làm việc cuối cùng của năm cũ và ngày làm việc của năm mới, các hãng hàng không Việt Nam phải đối phó với tình trạng “lệch đầu” trên một số tuyến bay: Số hành khách trên một chiều có thể đầy hoặc overbooked (đặt vé đăng ký quá số lượng ghế các hãng có thể cung cấp), trong khi đó chiều ngược lại vắng khách. Tình trạng này xảy ra khi mọi người cùng lúc về quê vào trước ngày làm việc cuối cùng của năm cũ và cùng lúc trở lại các thành phố lớn để làm việc vào ngày cuối kỳ nghỉ Tết. Điều này đồng nghĩa hãng hàng không lỗ trên chiều "ế" khách và hành khách rất chật vật tìm cho mình chiếc vé trên chiều đông người bay.

Tình trạng lệch đầu thường xảy ra trong dịp lễ Tết đối với đường bay TP.HCM – Hà Nội – “đường bay vàng” của hàng không Việt Nam. Trước 28 Tết năm nay, các chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội luôn đầy khách khi mọi người đổ xô về quê đón Tết. Trong khi đó, chiều Hà Nội vào TP.HCM lại nhiều chỗ trống. Tình hình này sẽ lặp lại trên tuyến bay Hà Nội – TP.HCM: Trước ngày mùng 6 Tết, khách sẽ đông. Đúng mùng 6, các chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM sẽ kín chỗ!

Khác với mọi năm, sân bay Tân Sơn Nhất đông khách ngay từ ngày mùng một Tết. (Ảnh: Ricky Hồ) 

Đi chơi ngày Tết

Những năm trước, ngày mùng một, sân bay Tân Sơn Nhất thường vắng lặng so với những ngày giáp Tết. Hình ảnh ồn ào, vai chen vai và rồng rắn làm thủ tục biến mất nhường lại cho sự yên tĩnh và thoáng đãng.

Nhưng từ Tết năm ngoái, Tân Sơn Nhất bắt đầu chộn rộn từ mùng một khi người dân từ miền Nam bắt đầu đi chơi và trở lại đỉnh điểm của bận rộn vào ngày hết Tết. Trong khi đó, Nội Bài bắt đầu có nhiều khách từ mùng hai Tết khi mọi người bắt đầu du xuân phương Nam.

Một chuyên gia hàng không nói với Báo Người Tiêu Dùng rằng tình trạng lệch đầu đã giảm đi rất nhiều bởi người Việt bắt đầu chuộng du lịch xa, trong và ngoài nước trong dịp Tết. Riêng đối với đường bay vàng, ngoài khách du lịch thì lượng khách từ miền Bắc đi làm ăn xa, lập nghiệp và có nhà ở TP.HCM thường chọn ngày mùng một Tết để bay về Hà Nội. “Sau khi cúng giao thừa hay tân niên ở ngôi nhà ở TP.HCM, người Hà Nội hay các tỉnh miền Bắc lại bay ra Hà Nội để đoàn viên với gia đình”, vị chuyên gia này giải thích.

Sự phát triển vũ bão của hàng không Việt Nam đã thu hút lượng lớn phi công nước ngoài đến Việt Nam. Cơ trưởng Camilo (trái) và cơ phó Nicolas (đứng sau) nói: "Công việc đã khiến chúng tôi đến đây và gắn bó với Việt Nam". (Ảnh: Ricky Hồ) 

Những người làm việc xuyên Tết

Tết này, tôi chọn bay ra Hà Nội cho chuyến xuất hành đầu năm của mình.

Bảy giờ sáng mùng một Tết, các quầy thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất thưa thớt. Sau khi làm xong thủ tục bay từ TP.HCM ra Hà Nội, tôi quay ra thì thấy hàng dài khách xếp hàng dích dắc để bay. Người Việt đã bỏ qua thói kiêng kỵ chờ ngày đẹp để xuất hành!

Mùng một Tết là ngày đặc biệt đối với Bùi Thị Hiền: Ngày đầu tiên Hiền làm việc với tư cách là tiếp viên trưởng của hãng Jetstar Pacific. “Rất vui khi nhìn lại bốn năm làm tiếp viên của mình”, Hiền nói.

Ngày Tết, các tiếp viên trang điểm ba ngôi sao hay ba bông hoa trên má phải. Các cô nói là "để điểm nhấn trong ngày Tết". Các tiếp viên của Jetstar Pacific đeo bảng tên kèm theo số để phân biệt với đồng nghiệp cùng tên. Trong ảnh là tiếp viên trưởng Hien5 và tiếp viên Linh16. (Ảnh: Ricky Hồ)

Từ nhân viên ngân hàng, Hiền thi tuyển làm tiếp viên hàng không. Bốn năm trong nghề, có đến ba năm Hiền phải bay vào mùng một. Năm đầu tiên cô phải bay ngày 30 Tết và đó là năm cô gặp “sự cố” lớn nhất. “Em hỗ trợ một hành khách Hàn Quốc đưa hành lý xách tay lên khoang trên đầu. Khách mắng té tát vì vali không nằm ngay trên vị trí ông ngồi phía dưới. Tiếp viên trưởng phải can thiệp, nhưng em rơm rớm mắt”, Hiền kể.

Nhưng Hiền nói câu chuyện của cô không là gì so với những trường hợp mà các tiếp viên hàng không khác gặp phải. Đó là khi máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, cấp cứu trên máy bay, khách sinh em bé hay cả trường hợp khách qua đời!

Tiếp viên trưởng là người “đứng mũi chịu sào” trong việc giải quyết các trường hợp như vậy. Với Jetstar Pacific, các tiếp viên phải trải qua ít nhất 1.000 giờ bay, đồng thời phải vượt qua các kỳ thi về tiếng Anh, kỹ năng xử lý tình huống, an toàn bay, chuyên ngành hàng không… Ngoài ra, tiếp viên cần được đánh giá tốt trong quá trình làm việc. Sau khi được lựa chọn, họ phải trải qua khóa đào tạo chuyên sâu dành cho tiếp viên trưởng.

Câu chuyện giữa chúng tôi thường đứt quãng. Từ ghế ngồi của tiếp viên ở đầu máy bay, Hiền quan sát toàn bộ các hoạt động của hành khách và các tiếp viên khác. Thỉnh thoảng là cuộc gọi từ buồng lái của cơ trưởng.

Tiếp viên Linh16 đang bán hàng lưu niệm cho khách. (Ảnh: Ricky Hồ)

Bốn tiếp viên trên chuyến bay sáng mùng một đều là nữ. Với hãng hàng không giá rẻ, các cô còn kiêm thêm nhiệm vụ bán suất ăn và hàng lưu niệm. Cái duyên con gái khiến các cô bán đắt, nhất là các khách có con nhỏ.

Chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tôi nán lại để có bức ảnh lưu niệm với phi hành đoàn. Vài phút chụp ảnh cũng “ăn” vào thời gian các cô tiếp viên phải nhặt rác, cùng với nhân viên mặt đất sân bay Nội Bài vệ sinh máy bay. Trong mùi xịt phòng và khử trùng đặc biệt – hành khách thường thấy trên các chuyến bay đường dài của Vietnam Airlines, Hiền quay sang ba đồng nghiệp: “Xong chưa các bạn? Nhớ chuẩn bị passport!”. Xong quay qua tôi, cô cho biết họ phải chuẩn bị cho chuyến kế tiếp đi Hong Kong.

Hiền cũng giải thích thời gian quay đầu, tức chuẩn bị cho chuyến bay mới, hãng quy định là 35 phút đối với chuyến bay nội địa và 60 phút đối với chuyến bay quốc tế.

Tôi chia tay các tiếp viên và phi công ở nhà ga T1, sân bay Nội Bài. Họ phải đi xe qua ga quốc tế T2 làm thủ tục cho chuyến bay Hà Nội – Hong Kong. Người cuối cùng tôi nói chuyện là Linh. Cô đi chậm nhất trong đoàn bởi chân đau. Trước đó, Linh kể cô bị tai nạn xe máy hôm 30 Tết mà không thể nghỉ được.

“Bon voyage! Chúc chuyến bay tốt đẹp! Gởi lời thăm mọi người!”, tôi nói với theo.

Linh đi cà nhắc, quay lại vẫy tay: “Em nhớ rồi. Hẹn gặp lại!”

Ricky Hồ

Nên đọc