Xử phạt Hà Trung Hậu 500 triệu đồng: AJI-NO-MOTO và AJINO-TAKARA “ai gian, ai dối”?

(NTD) - Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 7737/QĐ-XPHC (ngày 19/10/2015) đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hà Trung Hậu (Công ty Hà Trung Hậu), địa chỉ tại số 28 Đường số 3, Cư xá Chu Văn An, P.26, Q. Bình Thạnh, TP. HCM vì hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Ajinomoto. Đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất 3 tháng và buộc loại bỏ yếu tố vi phạm là 3 chữ tiếng Nhật Ajino - Takara.

Nội dung vụ kiện

Trước đó, vào ngày 24/6/2015, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 (Chi cục QLTT TP.Đà Nẵng) đã phát hiện và thi hành quyết định tạm giữ hơn 20 ngàn gói mì chính và hàng ngàn tang vật khác với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng của chi nhánh Công ty Hà Trung Hậu.

Biên bản tạm giữ tang vật của đội QLTT số 8 thể hiện, lô hàng mì chính bị tạm giữ với nhãn hiệu Ajino - Takara có gắn dấu hiệu ba chữ tượng hình "tương tự tới mức nhầm lẫn" với 3 chữ tượng hình trên bao bì sản phẩm của hãng bột ngọt Aji-No-Moto.

Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp ngày 28/7/2015 của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (SHTT) do Phó viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký thì dấu hiệu "ba chữ tượng hình" gắn trên sản phẩm mì chính của Công ty Hà Trung Hậu là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "ba chữ tượng hình" được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Aji-No-Moto Co., Inc.

Không đồng tình với quyết định xử phạt của UBND TP. Đà Nẵng được căn cứ theo biên bản vi phạm hành chính số 0044483/BB-VPHC do đội QLTT số 8 (ngày 18/9/2015) và kết luận giám định (KLGĐ) của Viện Sở hữu trí tuệ, Công ty Hà Trung Hậu đã khởi kiện Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và ông Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội QLTT số 08.

Theo Bà Võ Thị Nghè, Giám đốc Công ty Hà Trung Hậu thì QĐ XPHC số 7737 ban hành không đúng tên của chi nhánh công ty. Đây là điểm sai cơ bản của quyết định xử phạt, thế nhưng công ty liên tục bị QLTT nhắc nhở nộp phạt.

Ajino Moto và Ajino Takara “ai gian ai dối”?

Được biết, Công ty Hà Trung Hậu xin đăng ký hoạt động chi nhánh tại TP. Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh số 0303294599-001 do Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng cấp lần đầu ngày 5/2/2013. Lĩnh vực hoạt động là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, trong đó có việc nhập khẩu sản phẩm mì chính (bột ngọt) từ Thái Lan về đóng gói tại xưởng đặt tại TP.Đà Nẵng.

Đại diện pháp luật của Công ty Hà Trung Hậu, bà Võ Thị Nghè cho biết: “Để yên tâm đi vào hoạt động, tránh những rắc rối về pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT) sau này, chúng tôi tiến hành thủ tục đề nghị Viện khoa học SHTT giám định các dấu hiệu, hình ảnh, chữ thiết kế trên bao bì sản phẩm bột ngọt mang nhãn hiệu Ajino - Takara với nhãn hiệu Aji- No- Moto.

Theo KLGĐ số NH 057-15YC/KLGĐ ngày 26/2/2015 của Viện SHTT, không đủ căn cứ để kết luận dấu hiệu Ajino - Takara xâm phạm quyền với nhãn hiệu Ajinomoto. KLGĐ số NH 453-15YC/KLGĐ ngày 6/1/2015 của Viện SHTT cũng cho rằng không đủ căn cứ để kết luận dấu hiệu cái tô và 3 chữ tiếng Nhật của Công ty Hà Trung Hậu là xâm phạm quyền với cái tô và 3 chữ tiếng Nhật nằm trong cái tô của Công ty Ajinomoto Việt Nam.

Thế nhưng, sau khi sản phẩm mì chính Ajino Takara lưu thông tại thị trường Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã khiếu nại đến nhiều nơi về việc xâm phạm quyền, trong đó có cơ quan QLTT Đà Nẵng và gây áp lực nhằm triệt hạ uy tín Công ty Hà Trung Hậu và thương hiệu Ajino Takara. Bà Võ Thị Nghè cho biết: “Công ty Ajinomoto đã bóc tách 3 chữ tiếng Nhật Aji-no-moto khỏi cái tô, gán ghép với văn bằng 169 cấp năm 1985 để áp đặt 3 chữ tiếng Nhật của Ajno Takara tương đồng với 3 chữ tiếng Nhật của Aji-no-moto. Trên thực tế, nhãn hiệu in trên bao bì hiện tại của Ajinomoto được bảo hộ theo văn bằng 170.

 
Hai bao bì sản phẩm không hề tương đồng đến mức gây nhầm lẫn cho khách hàng.Ajino - Takara là sản phẩm nhập từ Thái Lan đóng gói tại chi nhánh Đà Nẵng theo mẫu mã của công ty tại Thái Lan.

Khi giới truyền thông đã đặt vấn đề về việc nhãn hiệu sản phẩm mì chính hiện đang tranh chấp của công ty được bảo hộ theo văn bằng nào, thì ông Đặng Minh Tâm, Phó Trưởng phòng quan hệ cộng đồng Công ty Ajinomoto Việt Nam cho rằng: Cục SHTT đã cấp cho công ty 2 văn bằng 169 và 170 từ năm 1985.

Trong quá trình sử dụng công ty có quyền lồng ghép các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng để in trên bao bì sản phẩm hoặc các quảng cáo của công ty. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi sản phẩm có nhãn hiệu được đăng ký theo văn bằng 169 hiện nay được trưng bày (bày bán) ở đâu trên thị trường và 3 chữ tiếng Nhật đã được bảo hộ dưới dạng chữ hay hình thì ông Tâm không trả lời được.

 Trần Phong - Minh Hằng 

Nên đọc