Cần xử lý rác thải y tế đúng quy định
Anh Đặng Quang Luân, một công nhân thu gom rác thải tại quận Bình Tân, TP.HCM cho biết thời điểm này anh khá lo lắng vì hiện có nhiều rác thải y tế đã qua sử dụng, nhất là khẩu trang y tế.
“Nếu khẩu trang đã qua sử dụng vứt vào thùng rác gọn gàng thì không sao, đằng này nhiều người vô ý thức vứt bừa bãi ra đường khiến người dân và cả người thu gom rác thải lo sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh” - anh Luân nói.
Một bài học dễ nhận thấy từ Trung Quốc trong việc xử lý rác thải là dù là nơi bùng dịch mạnh nhất thế giới nhưng hiện nay Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh và có nhiều phương thức xử lý lượng rác thải y tế an toàn.
Cụ thể, rác thải y tế phải xử lý xong trong 24 giờ, tuy nhiên lúc đỉnh dịch ở Vũ Hán, khoảng 190 tấn rác y tế bị tồn lại dù các nhân viên đã làm việc cật lực. Số rác này bắt đầu được xử lý từ ngày 2-7/3, khoảng 136.000 tấn rác thải y tế đã được xử lý an toàn tại Vũ Hán.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã điều động 46 cơ sở xử lý rác thải lưu động tới Vũ Hán và xây dựng một nhà máy mới với công suất 30 tấn trong vòng 15 ngày tại đây. Nhà chức trách cũng nâng cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại để đủ điều kiện xử lý rác thải y tế. Các biện pháp này giúp tăng công suất xử lý rác thải y tế của thành phố từ 50 tấn/ngày lên hơn 263 tấn/ngày.
Tại Việt Nam, để phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, người dân tăng cường sử dụng khẩu trang y tế khiến số lượng khẩu trang thải bỏ ra môi trường tăng đột biến, nhất là ở các thành phố lớn. Mỗi ngày ước tính có hàng triệu khẩu trang thải ra môi trường.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh và việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế và xử lý khẩu trang thải bỏ sau khi sử dụng đúng quy định, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch bệnh.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để tái sử dụng nhằm trục lợi bất chính, trường hợp phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát đối với công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng; xây dựng kế hoạch xử lý chất thải rắn trước mắt và lâu dài ở cấp tỉnh.
Nguyễn Ngọc