Gần đây có loại nhãn to vỏ mỏng, màu vàng sáng, cùi dày, kích thước to ngang quả vải thiều… Loại nhãn này xuất hiện tại các chợ ở nhiều nơi, nhiều người ngạc nhiên bởi không giống với loại nhãn truyền thống. Liệu đây có phải loại nhãn xông lưu huỳnh không, ăn quả có xông lưu huỳnh có an toàn không?
Bạn Phạm Thu Cúc (quận Long Biên, Hà Nội)
Những người trồng nhãn cho biết xông lưu huỳnh không thể làm quả nhãn to ra như vậy. Ông Vũ T.N, giám đốc một công ty chuyên doanh nông sản hữu cơ, cho biết, loại nhãn quả to được bày bán ở chợ Hà Nội hiện nay là nhãn Miền Thiết (1 trong 6 loại nhãn lồng được trồng ở Hưng Yên). Xông hơi lưu huỳnh có thể làm đẹp màu sắc của quả nhẫn chứ không làm cho quả nhãn to lên được.
Quả nhãn tự nhiên vỏ thường màu thâm bởi có nấm mốc bao quanh, nhưng khi dùng lưu huỳnh xử lý thì vỏ sẽ sạch và sáng, vàng hơn rất nhiều. Dân buôn thường làm theo cách này để mẫu mã cũng như màu sắc quả nhãn nhìn bắt mắt hơn. Phương pháp này được các nước trên thế giới áp dụng khá nhiều. Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT cũng cho phép áp dụng. Song, khi làm phải đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly tối thiểu 2 ngày để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi ăn nhãn.
Quả nhãn tươi muốn khỏi bị thâm người ta thường cho nhãn vào thùng bằng giấy hoặc sọt rồi đốt lưu huỳnh ở dưới đáy cho cháy lên tạo thành khí SO2, khí đó bay lên và bao phủ quanh vỏ, làm cho quả nhãn sáng hơn và không bị mốc, hỏng. Không chỉ riêng với nhãn mà lưu huỳnh còn được dùng để bảo quản nhiều loại quả khác, như quả vải hay các loại thực phẩm khô. Hàm lượng lưu huỳnh dùng bao nhiêu không quan trọng, bởi khi sử dụng chúng chỉ là chất khí chỉ bám vào bề mặt ngoài. Khi khí SO2 bay hết đi thì quả nhãn có thể ăn bình thường, không sợ độc hại.
Tuy nhiên, người ta phải cách ly ít nhất hai ngày mới đem ra bán cho người tiêu dùng mua về ăn. Lý do là khí SO2 bám vào vỏ quả nhãn, nếu chưa bay hết thì ngửi sẽ có mùi hơi hắc, gây cảm giác khó chịu. Do vậy mà nhiều người khi mua nhãn, thấy mùi khác lạ thường nghi ngờ nhãn được ủ ướp hóa chất độc hại.
Việc xông hơi lưu huỳnh để bảo quản nhãn là được phép, nhưng không được quá liều lượng 30 ppm (30 phần triệu). Lưu huỳnh có tác dụng diệt vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng và làm đẹp vỏ quả nhãn, giúp kéo dài hơn thời gian bảo quản. Tuy nhiên nếu nồng độ khí SO2 vượt quá tiêu chuẩn sẽ ngấm qua vỏ vào đến cùi nhãn và có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Theo Nguyễn Lân Dũng (SGGP)