Xóm nhà nổi ở lưng trời cao nguyên

(NTD) - Phía dưới cầu Đắk Hil của H.Lắk (Đắk Lắk) bỗng hiện ra không gian mênh mông của hồ thủy điện Buôn Tua Srah, nơi ấy có một xóm nhà nổi giữa lòng hồ ở lưng trời cao nguyên.

Từ trên cồn bãi, cách mép sông cả trăm mét, nhìn xuống khúc sông đã thấy những làn khói lam bay ra từ những con thuyền lan tỏa trên mặt sông buồn yên ả

Đập Thủy Điện Ekra NamKa thuộc địa giới hai tỉnh Đăk Lăk - Lâm Đồng. Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka được công nhận từ năm 1986. Đây là vùng rừng đầu nguồn, nơi hợp lưu của hai con sông Krông Nô và Krông Na (sông Đực và sông Cái). Và ở lưu vực này nơi hồ thủy điện Ekra NamKa lâu nay có một xóm ngụ cư của nhiều hộ dân tập hợp lại mà thành.

Ở mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió Đắk Lắk có một làng chài quanh năm gắn mình với nghiệp đánh cá mưu sinh 

Xóm nhà nổi này chẳng biết được hình thành từ bao giờ, người dân xóm chài này được hình thành từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah được xây dựng, con suối Đắk Hil tích nước, dần dần mở rộng thành hồ chứa. Dân các xã ở H.Lắk rủ nhau đến đây đánh bắt cá, sau đó tính chuyện lâu dài bằng nghề nuôi cá lồng bè. Dần dà người tứ xứ, chủ yếu từ miền Tây Nam bộ đổ về lập nên xóm chài, đến nay hơn 20 hộ. 

Ngoài đánh bắt cá trên hồ, nhiều hộ dân còn nuôi cá trong lồng bè để bán cho thương lái

Trên con nước này có khoảng gần 20 chiếc thuyền, là 20 hộ với gần 50 nhân khẩu sống bám víu vào nhau để qua ngày. Cuộc sống thuyền chài ở xứ người lúc thăng, lúc trầm cũng khiến những cư dân ở đây nhiều nỗi ưu tư. Nhìn từ trên cầu Đắk Hil, những lồng bè trông tạm bợ, dập dềnh theo sóng nước. Cả xóm này có trên 30 lồng cá lóc, đó là nguồn sống chính của những hộ dân nơi đây. 

Cư dân ở đây đều là dân tứ xứ, cùng về cư ngụ một góc sông tạo thành xóm

Do thuận đường QL27, cá lóc nuôi ở đây mỗi lần xuất bán là có xe đưa lên Buôn Ma Thuột, hoặc sang Lâm Đồng, rồi tỏa đi các tỉnh. Một lượng cá được xẻ, ướp làm khô để bán lẻ.

Ngày ngày, những người dân ở xóm lòng hồ đánh bắt cá mưu sinh

Ở đây ban ngày đàn bà đi bán cá, còn đàn ông phải ngủ lấy sức để đêm đi đánh bắt trên hồ. Họ mưu sinh trên sông nước trong những ngôi nhà nổi lúp xúp và lênh đênh trên những mạn thuyền xuôi ngược.

Nhà nổi trên mặt nước

 

Trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà, hay những đứa trẻ ngày ngày gắn cuộc đời với sông nước cho cuộc mưu sinh.

Bảo Anh

Nên đọc