Xin visa Mỹ có thể phải khai mật khẩu mạng xã hội?

(NTD) - Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly nói sứ quán Mỹ ở nước ngoài có thể sẽ yêu cầu người xin visa (thị thực) cung cấp mật khẩu các tài khoản mạng xã hội. Chắc chắn chủ trương mới này sẽ gây tranh cãi trên chính trường Mỹ.

Đài BBC News đưa tin ngày 9/2 (giờ VN), ông Kelly nói tại Hạ viện hôm thứ Ba 7/2 rằng đây là một trong các biện pháp đang được xem xét để duyệt đơn xin visa và xin tỵ nạn, nhất là từ bảy quốc gia đông người Hồi giáo. Theo ông, các biện pháp này sẽ giúp xác lập những cá nhân có nguy cơ về mặt an ninh.

Đặc biệt, công dân bảy nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, vốn không có cơ chế kiểm tra an ninh hiệu quả, sẽ phải được kiểm tra bổ sung. Bộ trưởng Kelly cho hay trong cuộc điều trần tại Ủy ban An ninh Quốc nội Hạ viện: "Chúng tôi đang xem xét một số biện pháp kiểm tra an ninh tăng cường hoặc bổ sung".

 "Chúng tôi có thể sẽ phải tiếp cận các trang mạng xã hội của họ bằng mật khẩu" - ông Kelly nói thêm: "Rất khó có thể kiểm tra an ninh những người này ở nước của họ, ở bảy quốc gia đó. Thế nhưng nếu họ nhập cảnh Mỹ, thì chúng ta có thể yêu cầu được biết họ vào những website nào và yêu cầu họ cung cấp mật khẩu. Như thế chúng ta có thể thấy họ làm việc gì trên internet. Nếu họ không hợp tác thì không được nhập cảnh".

Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly đã điều trần trước Hạ viện về việc người xin visa Mỹ có thể phải khai mật khẩu mạng xã hội (Ảnh: Getty)

Cũng theo BBC News, Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh rằng hiện chưa có quyết định chính thức về điều này, nhưng trong tương lai, quá trình kiểm tra an ninh sẽ được thắt chặt cho dù có thể dẫn đến kết quả là thủ tục cấp visa vào Mỹ sẽ kéo dài hơn.

Ông nói Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu người xin thị thực cung cấp thông tin và "nếu họ thực sự muốn tới Mỹ thì họ phải hợp tác. Nếu không thì để người khác".

Được biết, lệnh hạn chế đi lại mà Tổng thống Donald Trump ban hành hôm 28/1 hiện đang bị chặn lại bởi thẩm phán liên bang James Robart, và có thể sẽ phải chuyển lên Tòa Tối cao để phán quyết.

                                                                                                   Khánh Phương (Theo BBC News, 2/2017)

Nên đọc