Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường quốc tế

(CL&CS) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên mức cao, có thời điểm vượt cả Thái Lan. Tuy nhiên làm sao xây dựng được thương hiệu gạo Việt vững chắc trị trường quốc tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Giá gạo tăng cao

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN)) cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, trong tháng 8/2020, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 380-385 USD/tấn lên 383-389 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan tăng từ 463-485 USD/tấn lên mức 480-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2020. Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Như vậy, trong tháng 8 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Có thời điểm giá gạo xuất khẩu nước ta vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Điều này cho thấy, gạo Việt Nam đang có thay đổi từ lượng sang chất.

Ngành lúa gạo Việt Nam cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Tuy nhiên một vấn đề đang được đặt ra, Việt Nam đã xuất khẩu gạo 30 năm nay, nhưng để tên thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng, kết quả chỉ là những loại gạo đặc sản, gắn với địa phương vùng miền, chứ không hề có dấu ấn của thương hiệu hay tên tuổi của một doanh nghiệp, hay một tổ chức sản xuất gạo bài bản chuyên nghiệp nào.

Theo chia sẻ của kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của loại gạo ngon nhất thế giới ST25, Việt Nam không thiếu những giống lúa để làm nên những loại gạo ngon nhất nhì thế giới. Tuy nhiên trong một thời kỳ dài, do định hướng xuất khẩu, chúng ta ưu số lượng và giá bán rẻ làm lợi thế cạnh tranh của gạo Việt. Cùng với đó, gạo Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng bao lớn và đóng nhãn mác nhà nhập khẩu. Việc không có thương hiệu là điều dễ hiểu. Từ trước tới giờ, hệ thống chính sách của Việt Nam cũng chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo của mình.

Ngoài ra còn nguyên nhân khác là do cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp chưa chú trọng quảng bá, chưa có chiến lược bài bản, định hướng rõ ràng cho thương hiệu gạo Việt.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nhu cầu của các nhà nhập khẩu nông sản tại châu Âu để biết nhu cầu của họ, làm thế nào để củng cố vị thế hạt gạo Việt. Gạo Việt Nam có tham vọng mang đi chinh phục thị trường bán lẻ châu Âu thì chất lượng rất tốt. Hiện Hiệp định Thương mại có hiệu lực, giá bán cũng hấp dẫn. Tuy nhiên, ngon và rẻ vẫn chưa đủ để tạo dựng thương hiệu.

Đây cũng được xem là thời điểm thích hợp đưa ra chiến lược bài bản khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường, thay vì theo đuổi sản lượng như trước đây.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách hoàn chỉnh

Bàn về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, trong một hội nghị mới đây, đại diện của Bộ NN&PTNT nhấn mạnh chiến lược ngành hàng lúa gạo vẫn phải đảm bảo năng suất lúa, đồng thời nâng cao giá trị, chất lượng gạo để có giá bán cao hơn.

Bên cạnh đó, phải giảm chi phí sản xuất để nông dân có thu nhập cao hơn. Chúng ta có những sản phẩm gạo hạt dài, gạo chất lượng cao và đây là phân khúc rất lớn của thị trường. Cùng với đó là giống gạo thơm, phân khúc cho thị trường đặc biệt.

Về phía doanh nghiệp thì cho rằng hạt gạo Việt Nam nếu được sản xuất theo các quy trình bền vững như SRP, Global GAP, Viet GAP… sẽ có cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường cao cấp.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chế tài đủ mạnh kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết và công bố. Vì trong hàng trăm doanh nghiệp, nếu chỉ vài doanh nghiệp làm đúng, làm tốt thì không thể tạo nên thương hiệu gạo cho Việt Nam.

Theo các chuyên gia thì làm thương hiệu không phải để bán nhiều gạo hơn, mà là để bán được với giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và nông dân trồng lúa. Bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Giáo sư, tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - một chuyên gia hàng đầu về Nông nghiệp Việt Nam, cho biết để hạt gạo Việt tận dụng lợi thế của EVFTA và chắc chân tại thị trường EU cũng như một số thị trường khác. Trước hết, người nông dân phải thay đổi tư duy canh tác kiểu cũ (lạm dụng phân, thuốc hóa học) sang canh tác hữu cơ, theo quy trình nông nghiệp an toàn (sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học và một ít phân hóa học).

Về phía các doanh nghiệp phải hợp tác với nông dân thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để từ đó xây dựng được những vùng nguyên liệu rộng lớn, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, áp dụng quy trình sản xuất chất lượng an toàn cho chuỗi cung ứng nguyên liệu của mình và bao tiêu sản phẩm của người nông dân.

 Vy Vy

Nên đọc