Xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm rau quả

(CL&CS) - Cần chú trọng giải pháp xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về rau quả và sản phẩm rau quả. Đây là nội dung cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn để doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất kinh doanh và là công cụ phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu và kinh nghiệm canh tác, sản lượng rau quả của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong nhóm ngành hàng nông sản. Xuất khẩu rau quả và sản phẩm rau quả từ vị trí “tiềm năng” đã ngày càng phát triển và hiện đã nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu “tỷ đô”. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 7,2 tỷ đô la Mỹ, xuất siêu đạt trên 4,5 tỷ đô la Mỹ. Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu, rau quả tươi và rau quả sơ chế vẫn đang chiếm tỷ trọng cao (khoảng 76 %), tuy nhiên tỷ trọng của sản phẩm rau quả chế biến đang có xu hướng tăng khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng của sản phẩm rau quả của Việt Nam được cải thiện trong những năm gần đây cho thấy, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc... và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến rau quả.

Để đạt được các mục tiêu về phát triển sản xuất và xuất khẩu bền vững đối với nhóm ngành sản phẩm rau quả, thì một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh giải pháp nêu trên từ phía doanh nghiệp, cần chú trọng giải pháp xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về rau quả và sản phẩm rau quả. Đây là nội dung cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn để doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất kinh doanh và là công cụ phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Nhiều mặt hàng rau quả có tiềm năng xuất khẩu, mang về hàng tỷ đô la Mỹ nếu được đầu tư xứng tầm. Việc xây dựng các tiêu chuẩn đối với ngành rau quả và sản phẩm rau quả sẽ góp phần tạo khung tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm, làm cơ sở để doanh nghiệp áp dụng, thực hiện quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm trong sản xuất, chế biến, đáp ứng các quy định của thị trường quốc tế, tạo thuận lợi cho thương mại xuất khẩu và lưu thông sản phẩm. Các tiêu chuẩn này cũng là công cụ khẳng định giá trị của sản phẩm rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế, khuyến khích sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, sức khỏe cho người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và góp phần phát triển sản xuất, chế biến, thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về nhóm rau quả, sản phẩm rau quả nói chung và sản phẩm rau quả chế biến nói riêng, đáp ứng cho việc quản lý về yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thế mạnh này, năm 2024 Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về rau quả và sản phẩm rau quả đã thực hiện biên soạn một số TCVN về sản phẩm rau quả, bao gồm:

- Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật đối với một số sản phẩm rau quả chế biến: Rau đông lạnh nhanh, rau muối chua. Các tiêu chuẩn này đưa ra định nghĩa cho sản phẩm, quy định về các dạng sản phẩm, các yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản sản phẩm. Các sản phẩm rau muối chua như dưa muối, hành muối, kim chi… là nhóm sản phẩm rau lên men, giàu axit hữu cơ, axit amin và các chất dinh dưỡng khác. Sản phẩm được công nhận là có lợi cho sức khỏe con người, là nhóm sản phẩm rau quả phổ biến tại Việt Nam và trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng nên thiếu sự đồng nhất, không đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm, điều này làm hạn chế rất nhiều đến giao thương quốc tế và việc tiêu thụ sản phẩm rau muối chua. Đối với rau đông lạnh nhanh, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay khá đa dạng như cà rốt, ngô hạt, ngô nguyên bắp, khoai lang chiên, đậu Hà Lan… TCVN về rau đông lạnh nhanh chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế CODEX, trong đó đưa ra quy định chung và các quy định chi tiết cho từng sản phẩm rau đông lạnh cụ thể.

- Tiêu chuẩn phương pháp thử về xác định độ ẩm của sản phẩm quả khô: Đây là chỉ tiêu rất quan trọng, liên quan đến giá thành và hạn sử dụng của sản phẩm. Việc đưa ra phương pháp thử phù hợp với phương pháp được sử dụng tại các thị trường nhập khẩu là rất quan trọng cho việc thích ứng của doanh nghiệp cũng như các phòng thử nghiệm trong nước.

- Một số tiêu chuẩn về quy phạm thực hành như thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và thực hành sản xuất tốt (GMP) sẽ giúp các cơ sở trồng trọt, cơ sở sản xuất và chế biến có thể kiểm soát được các mối nguy về vật lý, hóa học và sinh học liên quan đến các công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến rau quả tươi, sản phẩm rau quả sấy và đóng hộp, nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm rau quả là vô cùng cần thiết, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho một số sản phẩm rau quả chủ lực, nhóm sản phẩm rau quả chế biến sâu. Trong đó, có cơ chế để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xã hội hóa đối với việc xây dựng TCVN về sản phẩm rau quả. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về lợi ích, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia đối với nhóm ngành rau quả và sản phẩm rau quả.

TIN LIÊN QUAN