Xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia - Phòng cháy chữa cháy và ô tô cứu nạn cứu hộ

(CL&CS) - Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia “Phòng cháy chữa cháy - Xe ô tô cứu nạn, cứu hộ. Yêu cầu kỹ thuật chung. Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử” vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo nội dung dự thảo, phạm vi áp dụng của Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, đóng gói, vận chuyển và bảo quản đối với xe cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể:

Theo dự thảo yêu cầu cơ bản xe cứu nạn, cứu hộ ngoài phù hợp yêu cầu kỹ thuật cơ bản TCVN 13316-1, còn phải phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn này. 

Về yêu cầu đối với xe hoàn chỉnh xe cứu nạn, cứu hộ: phải được cấu tạo gồm xe sát xi, hệ thống cẩu, hệ thống tời, hệ thống chiếu sáng và các trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đặt trên xe. Dung tích bình nhiên liệu phải đáp ứng được cho xe chạy tối thiểu 100 km và thực hiện 50 chu kỳ làm việc của hệ thống cẩu.

Đáng chú ý, số lượng người lái và người ngồi trong cabin trên xe cứu nạn, cứu hộ phải từ 6-12 người. Tại vị trí vận hành của hệ thống cẩu phải có đồng hồ hiển thị áp suất làm việc của hệ thống thuỷ lực của cần cẩu. Khi tời là tời thủy lực, tại vị trí vận hành phải có đồng hồ hiển thị áp suất làm việc của hệ thống thuỷ lực của tời. Vị trí gần thùng dầu thủy lực cần được gắn biển thông báo rõ ràng cho người sử dụng, phải có ít nhất các thông số của chủng loại dầu thủy lực được sử dụng, phạm vi nhiệt độ hoạt động, công suất, chu kỳ thay thế và các lưu ý khi thay dầu thủy lực. Thùng dầu thủy lực phải lắp đặt thiết bị hiển thị nhiệt độ và mức dầu trong thùng dầu thủy lực.

Cùng với đó, hướng dẫn vận hành và hướng dẫn cảnh báo bằng chữ hoặc bằng hình ảnh đối với cần cẩu, tời và hệ thống chiếu sáng trên xe phải được đặt ở nơi người vận hành có thể nhìn thấy. Đối với các thao tác có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải có biển cảnh báo và được phân biệt bằng cách sử dụng màu sắc hoặc phông chữ có kích cỡ khác nhau...

Đối với các loại xe sát xi được cải tạo thành xe cứu nạn cứu hộ: phải phù hợp yêu cầu tại Điều 5.2, 5.3 TCVN 13316-1.

Còn với các thiết bị chuyên dụng: như hệ thống cẩu yêu cầu chung phải có nhãn hiệu của hệ thống cẩu gắn trên xe và được gắn ở vị trí mà người vận hành có thể nhìn thấy rõ ràng. Nhãn hiệu ít nhất phải bao gồm tên nhà sản xuất, tên và kiểu sản phẩm, tải trọng nâng định mức và phạm vi làm việc tương ứng. Việc cố định nhãn sản phẩm phải bảo đảm yêu cầu tại Điều 5.5.4.1 TCVN 13316-1.

Đối với hệ thống tời, phải có nhãn hiệu tiếng Việt của tời và được gắn ở vị trí người vận hành có thể nhìn thấy rõ ràng. Nhãn hiệu ít nhất phải bao gồm tên nhà sản xuất, tên sản phẩm và kiểu máy, lực kéo định mức của tời, đường kính và chiều dài làm việc hiệu quả của dây cáp và góc làm việc cho phép của dây cáp. Việc cố định nhãn sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 5.5.4.1 TCVN 13316-1. Hệ thống chiếu sáng của xe cứu nạn, cứu hộ phải đáp ứng các yêu cầu của TCVN 7722-1:2017.

Yêu cầu về thiết bị và dụng cụ: Thiết bị và dụng cụ đo của xe cứu nạn, cứu hộ phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 5.5.4 TCVN 13316-1.

Phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ kèm theo xe cứu nạn, cứu hộ: Phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kèm theo xe cứu nạn, cứu hộ được bố trí cố định, bán cố định và tự do phải phù hợp với quy định tại Điều 5.5.8, 5.5.9 TCVN 13316-1.

Thiết bị cảnh báo ưu tiên: Thiết bị cảnh báo ưu tiên phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 5.5.5.28 TCVN 13316-1.

Thử nghiệm yêu cầu cơ bản: Nội dung thử nghiệm tiến hành theo Điều 6 TCVN 13316-1. Kết quả thử nghiệm phải phù hợp yêu cầu tại Điều 4.1 của tiêu chuẩn này.

Thử nghiệm cải tạo xe sát xi thành xe cứu nạn, cứu hộ: Kiểm tra theo nội dung tương quan tại Điều 6.2, 6.3 TCVN 13316-1. Kết quả kiểm tra phải phù hợp yêu cầu tại Điều 4.3 của tiêu chuẩn này.

TIN LIÊN QUAN