Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường với thiết bị sạc xe điện: Yêu cầu từ thực tiễn

(CL&CS) - Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trạm/trụ/thiết bị sạc xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn.

Trên con đường hướng đến phát triển bền vững, việc chuyển dịch từ ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện đang trở thành xu thế tất yếu. Vì vậy, hệ thống trạm sạc điện là vấn đề “sống còn” cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh. Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trạm/trụ/thiết bị sạc xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu bức thiết.

Theo đó, thiết bị sạc xe điện (EVSE-Electric Vehicle Supply Equipment) là thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị cung cấp các chức năng chuyên dụng để cấp năng lượng điện và xác định chính xác lượng điện năng sạc cho xe điện, lưu trữ kết quả, thông báo kết quả cho khách hàng và có thể truyền thông tin cho một hệ thống thanh toán.

Thiết bị sạc xe điện được phân chia theo loại đối tượng sử dụng và phương pháp sạc: Thứ nhất phân chia theo đối tượng: Hiện có 2 loại một là xe máy, xe đạp điện; hai là ô tô điện; Thứ hai phân chia theo phương pháp sạc: có 2 loại một là sạc bằng điện áp Xoay chiều (AC); hai là sạc bằng điện áp Một chiều (DC).

Bổ sung thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào phương tiện đo nhóm 2 nhằm đảm bảo tính công bằng. (Ảnh minh họa)

Bổ sung thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào phương tiện đo nhóm 2

TS. Ngô Thị Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, thiết bị sạc xe điện chính là một phương tiện đo phải tuân thủ quy định tại khoản 2 điều 16 của Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011.

Cụ thể “Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (gọi tắt là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng”.

Tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành OIML G 22 và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G 22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.

Trên thế giới, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu đã và đang kiểm soát về đo lường đối với thiết bị này. Đặc biệt Trung Quốc đã thực hiện quản lý về đo lường đối với Thiết bị sạc từ năm 2018. Các quy định này được xây dựng dựa trên hướng dẫn OIML G 22 của Tổ chức Đo lường Thế giới (OIML) năm 2022 về quản lý đo lường cho thiết bị sạc pin xe điện.

Đối với Việt Nam, từ năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban TCĐLCL Quốc gia) đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất đưa thiết bị đo điện năng sạc vào diện quản lý phương tiện đo nhóm 2, đáp ứng yêu cầu quản lý theo Luật Đo lường năm 2011 và đảm bảo tính công bằng trong giao dịch. Đây chính là điểm mới của thông tư số 03/2024/TT-BKHCN ngày 15/4/2024.

Một số đề xuất từ “người trong cuộc”

Ở góc độ “người trong cuộc”, ông Nguyễn Thành Dương - Tổng Giám đốc Công ty VGreen - Công ty Trạm sạc điện của Vingroup cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh/thành phố của VGreen đang đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng xe điện tại Việt Nam. Đơn vị này vẫn đang tiếp tục mở rộng hơn nữa, nhanh hơn, mạnh hơn nữa mạng lưới trạm sạc của mình theo cả hình thức nhượng quyền lẫn tự đầu tư, để đón đầu xu hướng tăng trưởng của xe điện thời gian tới và ngày càng phục vụ khách hàng tốt hơn.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Dương cũng cho biết, hiện tại VGreen có gặp phải một số khó khăn trong giai đoạn ban đầu khi nhận thức chung của người dân và xã hội chưa đầy đủ về xe điện và sự an toàn của trạm sạc.

“Hiện nay, với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tuy nhiên vẫn còn một số điểm tồn tại như: Chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc; Quy định về giấy phép xây dựng đối với trạm sạc đang được áp dụng chưa đồng bộ tại một số địa phương, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai và mở rộng mạng lưới; Chưa có giá điện hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các chủ sở hữu xe điện, do đó giá điện sạc vẫn đang được tính theo giá điện tiêu dùng...”, ông Dương chia sẻ.

Ngoài ra, ông Dương cũng đưa ra đề xuất một số phương án với cơ quan quản lý Nhà nước xung quanh những quy định hiện hành đối với trụ/trạm sạc xe điện/ thiết bị sạc xe điện, cụ thể như sau: Quy định bố trí trạm sạc điện đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới và cũ như bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ... cần có trạm sạc phục vụ người dân; Ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho người dùng; Hỗ trợ chi phí, nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh trạm sạc điện; Nâng cấp hạ tầng điện và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện;…

TIN LIÊN QUAN