Người dân Philippines nhận tiền gửi từ nước ngoài về ở Makati City thuộc Manila (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo trong tháng 4 và tháng 5/2020 của World Bank Group nói: “Sự sụt giảm dự kiến là do dòng tiền từ Hoa Kỳ suy giảm – đây là nguồn kiều hối lớn nhất đối với khu vực. Nhiều nước phụ thuộc vào nguồn tiền này có thể đối mặt với tình trạng các hộ gia đình có nguy cơ tổn thương bởi thu nhập từ kiều hối giảm mạnh trong giai đoạn dịch bệnh”.
Trước đó, nhiều cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng kiều hối giúp giảm đói nghèo ở các nước đang phát triển, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của quốc gia đó, và cũng giúp tăng nguồn chi cho giáo dục và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em ở nhiều gia đình khó khăn. Sự sụt giảm lớn sau mùa dịch này sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các gia đình trong các lĩnh vực trên bởi nguồn tiền được sử dụng để mua thực phẩm là chính và giải quyết các nhu cầu cấp bách khác.
Năm nước có nguồn kiều hối mạnh trong khu vực là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan nhận tổng cộng 72,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng Philippines chiếm gần phân nửa với 35,1 tỷ USD. Các thống kê của năm 2018 cho thấy Philippines có hơn 1/3 lượng kiều hối xuất xứ từ Hoa Kỳ.
Philippines được dự đoán hứng chịu hậu quả tồi tệ nhất bởi kiều hối chiếm tương đương 9,9% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Theo Bộ Lao động và việc làm Philippines, 89.436 người lao động Philippines đang làm việc ở nước ngoài phải đổi việc hoặc gặp cảnh “không việc, không có lương” do các biện pháp phong tỏa và tình hình kinh doanh bết bát ở các nước nhận lao động.
Hoa Kỳ là nơi xuất xứ của khoảng 50% lượng kiều hối của Việt Nam. Đây là mức cao thứ hai trong 5 nước Đông Nam Á nhận nhiều kiều hối từ Hoa Kỳ. Kiều hối chiếm khoảng 6,5% GDP của Việt Nam. Bất cứ sự suy giảm nào cũng khiến các gia đình Việt Nam phải đối mặt với tình trạng bấp bênh trong sinh kế của họ.
Các số liệu của WB về kiều hối tại Việt Nam trong ba năm qua đều tăng với con số ấn tượng: 13,8 tỷ USD trong năm 2017, 15,9 tỷ USD trong năm 2018 và 16,7 tỷ USD trong năm 2019. WB nói tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nguồn tiền này là 10-15% trong hơn một thập niên qua.
Trong khi đó, Indonesia phải đương đầu với sự sụt giảm trầm trọng kiều hối từ các nước Trung Đông vốn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của giá dầu sụt giảm. Nguồn tiền từ các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh chiếm 43% tổng lượng kiều hối của Indonesia.
Trong một bản báo cáo khác, WB đã nhấn mạnh sự quan trọng của kiều hối đối với châu Á. “Tại nhiều nước trong khu vực, hơn 3/4 các hộ gia đình nghèo phụ thuộc vào kiều hối để tăng thêm thu nhập gia đình. Một tỷ lệ lớn các gia đình ở Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ bị giảm nguồn thu nhập quan trọng này trong suốt đại dịch.
Dịch bệnh đã làm cho đời sống người lao động nhập cư ở Singapore và Malaysia thêm khó khăn bởi phong tỏa và kinh doanh trì trệ. Tại Singapore, chính phủ phải can thiệp để lao động nhập cư được chủ trả lương đúng hạn. Malaysia có cộng đồng lao động nhập cư lớn ở Đông Nam Á. Phần lớn trong số họ chấp nhận những công việc 3D: dơ bẩn (dirty), nguy hiểm (dangerous) và khó khăn (difficult). Số lượng của WB cho thấy người lao động nước ngoài ở Malaysia gởi tiền về nước nhiều hơn là lao động nước ngoài ở Singapore – với 9 tỷ USD trong năm 2018. Khoảng 1/3 số tiền này gửi về Indonesia và khoảng 1/4 gửi về Philippines.
WB nhận định: “Triển vọng của dòng kiều hối thật khó đoán. Trước đây, tiền được gửi về không theo chu kỳ: người lao động gửi tiền về nhà nhiều hơn khi gia đình có khó khăn hay khủng hoảng. Tuy nhiên, lần này đại dịch đã ảnh hưởng tất cả các nước, tạo thêm nhiều khó khăn và bất định”.
Ricky Hồ