Ông Tốn cho biết, hiện tại VIWASUPCO chỉ phân phối một phần nước sạch Sông Đà cho quận Hà Đông như tại các dự án chung cư chạy dọc Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài…Còn phía Nam Hà Đông, trong đó bao gồm các khu đô thị Xa La được lấy từ nguồn nước ngầm do chính Cty nước sạch Hà Đông sản xuất phân phối.
Ông Nguyễn Văn Tốn (đứng) – VIWASUPCO không cung cấp nước sạch Sông Đà cho khu đô thị Xa La. Ảnh: Mai Phương
Liên quan đến vấn đề nhiều hộ dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân trong những ngày qua phát hiện nước có hiện tượng vẩn đục lo ngại nguồn nước nhiễm độc? Ông Tốn khẳng định nguồn nước sạch Sông Đà hiện nay VIWASUPCO đang cung ứng cho 70 nghìn hộ dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình…hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Cụ thể theo định kỳ 6 tháng Cty lại phối hợp với trung tâm y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu đi kiểm nghiệm một lần để đánh giá chất lượng. Và lần kiểm tra mới đây vào cuối năm 2013, các cơ quan chức năng kết luận nước sạch Sông Đà hoàn toàn đảm bảo chất lượng.
Còn liên quan đến vấn đề gần 1 tuần trở lại đây (kể từ ngày 15đến 20/5) người dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông…lại ở trong tình trạng mất nước, nước chảy nhỏ giọt? ông Tốn lý giải: “Sở dĩ có hiện tượng như người dân phản ánh là vì vào ngày 17/5 vừa qua nhà máy thủy điện Hòa Bình gặp sự cố mất điện từ 15h30 đến tận 21h30 mới đóng điện trở lại. Với thời gian mất điện kéo dai hơn so với thương lệ do đó phải mất rất nhiều thời gian Cty mới bơm nước từ Hòa Bình về Hà Nội được. Theo kiểm tra của chúng tôi thì hiện nay nguồn nước chảy đến các hộ dân đã dần ổn định”.
Trước đó như một số báo điện tử và trang mạng đưa tin, nhiều cư dân sống tại khu đô thị Xa La, Hà Đông (Hà Nội) đã phản ánh, khoảng hơn 1 tháng nay, kể từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà (hồi đầu tháng 4/2014), người dân nơi đây phải chịu cảnh mất nước thường xuyên, chất lượng nước không được như trước. Đặc biệt, theo phản ánh nước sinh hoạt chuyển màu vàng và có dấu hiệu bị nhiễm độc.
Cùng khu CT6 nhiều hộ khác cũng cho biết, nước sinh hoạt bị quá nhiều cặn bẩn nên nhiều hộ không dám dùng để ăn uống. Tuy nhiên, dù lo ngại nhưng các hộ vẫn buộc phải dùng cho nhu cầu hàng ngày. Khi đun nấu thịt, đã có hiện tượng giống như nước bị nhiễm độc. Chị Nguyễn H, cư dân CT6 cho biết: “Khi luộc thịt heo, miếng thịt chuyển sang mùa hồng, không giống như mọi khi tôi vẫn luộc thịt có màu trắng. Khi tìm hiểu thì được biết đó là do nước nhiễm độc Amoni…”
Hàng nghìn cư dân Xa La – Hà Đông hoang mang vì nước nhiễm độc. Ảnh: Mai Phương
Một số cư dân sống ở CT4 Xa La cũng phản ánh hiện tượng nước bị nhiễm bẩn và khi luộc sườn, thịt đều có hiện tượng chuyển màu hồng. Khu chung cư thuộc Viện Bỏng Quốc Gia nằm sát khu đô thị Xa La cũng chịu chung tình cảnh này.
Chị Nguyễn Tr. ở khu chung cư Viện Bỏng cho biết, các hộ dân khu chung cư rất bức xúc đã dán tờ rơi nói về vụ nước bẩn và lấy ý kiến của mọi người để phán ánh tình hình. Chị Tr. cũng đã gọi điện tới Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông để phản ánh về chất lượng nước và được công ty hẹn sẽ cho người xuống lấy mẫu nước về kiểm tra.
“Tôi rất bực mình vì nước bẩn cả tháng nay rồi mà không thấy Công ty nước sạch có ý kiến gì. Đã sống trong tình trạng khan hiếm nước, chúng tôi còn phải bỏ tiền mua nước bẩn…”, chị Tr. bức xúc nói.
Do có hiện tượng nước bị nhiễm độc, nhiều hộ dân đã chủ động gửi mẫu nước đi phân tích. TS. Lê Thanh Sơn, cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng là cư dân của CT6 cho biết, từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, nước sinh hoạt của gia đình ông rất đục và có mùi lạ, nên ông đã mang mẫu nước đến cơ quan phân tích. Ông Sơn rất bàng hoàng trước kết quả mẫu nước nhà mình, khi thấy nước đã bị ô nhiễm nặng: ô nhiễm Asen, Amoni và ô nhiễm hữu cơ.
Cụ thể, theo kết quả phân tích của Phòng Công nghệ điện hóa môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nước sinh hoạt của cư dân Xa La có hàm lượng Asen cao gần gấp 4 lần mức độ cho phép (tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN); Amoni cao gấp 2,5 lần; chất hữu cơ (COD) cao gần gấp 4 lần; nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform.
Nguy hại hơn, khi các chất độc này không thể xử lý hết bằng máy lọc nước mà hiện nay nhiều hộ dân đang dùng. Theo ông Sơn, hàm lượng amoni quá cao, nên dù dùng máy lọc nước RO loại lõi lọc tốt (Mỹ, Châu Âu) cũng chỉ có thể làm giảm 1 nửa vì Amoni thấm được qua màng lọc, do đó vẫn cao hơn mức cho phép.
Xung quanh vụ việc này phóng viên Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc sau khi làm việc với Cty nước sạch Hà Đông để làm rõ thực hư về thông tin nước ăn nhiễm độc.
Đức Nguyễn
Hàng nghìn cư dân Xa La – Hà Đông hoang mang vì nước nhiễm độc. Ảnh: Mai Phương