Chiều 17/12, PV Báo Người Tiêu Dùng có mặt tại ấp Tân Tiến, xã Tân Phú (Tân Châu - Tây Ninh) để tìm hiểu về vụ việc hai phụ nữ là Vũ Thị Cương (52 tuổi) và Trần Thị Nhẫn (65 tuổi) bị Công an huyện Tân Châu khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
“Gây rối trật tự công cộng” hay “Bảo vệ quyền lợi chính đáng”?
“Chúng tôi ý thức được hành động chặn xe chở cát là sai, nhưng chính quyền xã và Công ty Việt Úc cũng cần xem xét lại, vì sao chúng tôi lại có những hành động như vậy? Khi chúng tôi kêu gào vì bị xe chở cát “hành hạ” trong một thời gian dài, cuộc sống bị đe dọa thì không thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc. Khi chúng tôi chặn xe cát để đòi lại con đường, yêu cầu trả lại cuộc sống bình yên như nó đã vốn có thì chính quyền mới vào cuộc và bắt giữ người dân chúng tôi” – Đó là những tâm sự đẫm nước mắt của ông Thạnh (52 tuổi, dân địa phương) khi tiếp xúc với chúng tôi.
Người dân ấp Tân Tiến ra đường chặn xe chở cát vào ngày 11/12 (Ảnh: CTV) |
Theo tìm hiểu, được biết bà Vũ Thị Cương là vợ cựu chiến binh cách mạng, bản thân đang bị bệnh tiểu đường nặng. Còn bà Trần Thị Nhẫn đã 65 tuổi là vợ của một thương binh, mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có hai liệt sĩ, cũng thuộc diện có công với cách mạng.
“Máu và nước mắt của ông cha tôi đã đổ xuống mảnh đất Tây Ninh này, chỉ mong đổi lại được cuộc sống hạnh phúc, cơm no áo ấm. Nhưng giờ đây, trên chính quê hương của mình, cuộc sống chúng tôi đang bị đe dọa, môi trường thì ô nhiễm, nhà cửa nứt toác, mồ mả cha ông gần nơi khai thác cát có thể trôi xuống con suối Tha La bất cứ lúc nào. Vậy những người đi trước đã đánh đổi mạng sống của mình để được gì đây?”– Anh Luân (32 tuổi, cháu ruột bà Nhẫn) không giấu được sự buồn bã của mình.
Chiếc xe chở cát đi đến đâu, khói bụi theo đến đấy (Ảnh: Hồ Phạm) |
Ông Trí (53 tuổi, dân địa phương) tâm sự: “Các chú thấy đấy, hai người này là phụ nữ chân yếu tay mềm, sức khỏe lại không được ổn định. Họ chặn xe là sai nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì muốn bảo vệ cuộc sống bình yên cho gia đình, xóm làng và cũng chẳng phải dùng vũ lực để chặn xe, họ đấu tranh "ôn hòa" hà cớ chi lại bắt hai phụ nữ tội nghiệp kia vậy? …. Người dân chúng tôi đã bao lần kiến nghị với chính quyền rồi, tại sao không có một câu trả lời thỏa đáng? Đến lần đối thoại thứ sáu, chúng tôi chỉ cần giấy tờ chứng minh Công ty Việt Úc được quyền di chuyển xe trong con đường dân sinh này thì chính quyền địa phương không đưa ra, tự động kết thúc buổi đối thoại khi chưa có kết quả”.
“Nhiều người dân trên địa bàn đã viết đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm tìm được câu trả lời xác đáng nhất. Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng cho đến khi Công an huyện Tân Châu thả cô Nhẫn và cô Cương về với gia đình. Đồng thời, Công ty Việt Úc sẽ phải trả "tự do" cho con đường DH.04 Suối Dây, xe chở cát “hành hạ” nó 5 năm là quá đủ rồi” – Ông Thạnh nói thêm.
Luật sư Nguyễn Viết Giao, thuộc đoàn Luật sư TP.HCM nói về việc Công an huyện Tân Châu khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với 2 phụ nữ: “Theo tôi, cơ quan chức năng cần xem xét lại về quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với hai phụ nữ này. Điều 7, Nghị định 150/2005/NĐ - CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có nêu rõ hành vi vi phạm “cố ý gây rối trật tự công cộng” sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 60.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy tình tiết tăng nặng. Mức phạt hình sự tạm giam từ 3 tháng đến 7 năm chỉ áp dụng với các đối tượng “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” (Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015). Xét trên hành vi và mức độ được phản ánh, hai phụ nữ trên khi “tụ tập gây rối trật tự công cộng” theo ý kiến cơ quan chức năng, họ hoàn toàn tỉnh táo, đấu tranh ôn hòa và phản ứng vì bị ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Hơn nữa, khi vi phạm, trên người họ không có hung khí, và là Gia đình có công với cách mạng nên tôi nghĩ trong trường hợp này, việc tạm giam 3 tháng và khởi tố hình sự đối với hai phụ nữ trên về “tình” và “lý” đều chưa thỏa đáng”. Luật sư Giao cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong trường hợp này: “Tại sao sau 6 lần đối thoại trực tiếp lại không đưa ra được biện pháp giải quyết thỏa đáng cho các bên liên quan để dẫn đến tình trạng không đáng có này? Tôi nghĩ vụ việc đến nước này, chính quyền địa phương cũng nên xem xét lại về trách nhiệm quản lý của mình." |
Hồ Phạm - Đăng Kiệt