Vốn ngân hàng chảy vào lĩnh vực nông nghiệp

(CL&CS) - Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dành sự quan tâm lớn cho tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo số liệu mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đến 30/10/2020 ước tăng 5,22% so với 31/12/2019. Trong đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 30/10/2020 ước tăng 6,5% so với cuối năm 2019.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay khoảng hơn 9 triệu tỷ đồng. Tốc độ năm 2020 có thể chậm hơn so với các năm trước do COVID-19 cũng như tác động của thiên tai, bão lũ. Lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỷ. 

Trong 2,16 triệu tỷ đồng này có 27.000 tỷ cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, 5.000 tỷ cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, trong những năm qua, NHNN dành sự quan tâm lớn cho tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn. NHNN đã tham gia biên soạn và ban hành nhiều nghị định, văn bản tạo điều kiện cho tín dụng tập trung cho nông nghiệp - nông thôn, như: Nghị định 14, Nghị định 55, Nghị định 116 dành toàn bộ ưu tiên, ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất…

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo của NHNN, mặc dù tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn tăng trưởng tích cực nhưng đầu tư tín dụng với các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức như đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu.

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép, vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch bệnh…

Đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp.

Nêu ra một số giải pháp, ông Đào Minh Tú cho rằng, điều cần quan tâm là làm sao dòng vốn phải hướng vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng vào chuỗi giá trị. Bởi EVFTA là một con đường thênh thang cho các doanh nghiệp, chúng ta tận dụng được chính sách ưu đãi thuế của các nước EU nhưng cũng không ít trở ngại cho doanh nghiệp.

“Đầu tiên là chất lượng sản phẩm làm sao đáp ứng thị trường khó tính như EU. Tiếp đến là làm sao để giá cả cạnh tranh được với hàng hóa của các nước khác” - ông Tú cho biết.

Còn theo bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các nền kinh tế, thì NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất góp phần ổn định nền tảng vĩ mô để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó mạnh dạn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay…

TIN LIÊN QUAN