Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 26/31 ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank), Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) là những ngân hàng chưa đưa cổ phiếu lên sàn với tổng vốn điều lệ 36.855 tỷ đồng. Trong đó, Dong A Bank thuộc diện kiểm soát đặc biệt từ 13/8/2015.
Trong 26 ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán có tổng vốn điều lệ 406.139 tỷ đồng. Vốn điều lệ lớn nhất thuộc về BIDV (40.220 tỷ đồng), VietinBank (37.234 tỷ đồng), Vietcombank (37.089 tỷ đồng), Techcombank (35.749 tỷ đồng), MB (27.988 tỷ đồng), ACB (27.020 tỷ đồng)…
Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index chỉ tăng 24,8% nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng bình quân đến 35,4%. Ấn tượng nhất là LPB, VIB, VPB, SSB đều tăng trên 100%, trong đó VPB lọt vào top 10 vốn hóa lớn nhất sàn HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM). Tuy nhiên, BID ngược chiều giảm giá 3,7%.
Dẫn đầu về vốn hóa là các ngân hàng thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước: Vietcombank, VietinBank, BIDV. Trong đó, Vietcombank với vốn hóa 402.413 tỷ đồng trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra 3 nguyên nhân chính đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá khủng trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng mạnh +78,2% so với cùng kỳ, nhờ đẩy nhanh xử lý nợ xấu trong quý 4/2020, hệ số biên lãi ròng (NIM) cải thiện…
Thứ hai, Thông tư 03/2021/NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/NHNN quy định thời gian trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu vừa có hiệu lực từ 17/5/2021, quy định việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Văn bản mới cho phép các ngân hàng phân bổ chi phí dự phòng trong vòng 3 năm đối với nợ tái cơ cấu, thay vì trích lập luôn sau tái cơ cấu theo yêu cầu của văn bản cũ. Động thái này sẽ giúp các ngân hàng phân tán tác động của việc trích lập dự phòng tới lợi nhuận của ngân hàng.
Thứ ba là câu chuyện tăng vốn. Hoạt động tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng có khả năng duy trì đà tăng trưởng hiện tại, đồng thời đảm bảo biên độ an toàn của vốn trước tác động của nợ xấu do dịch bệnh.
Tuy vậy, SSI Research nhấn mạnh: “Chúng tôi không khuyến nghị mua mới cổ phiếu ngân hàng trong tháng 6/2021, tuy nhiên các nhà đầu tư đã mua các cổ phiếu ngân hàng theo khuyến nghị từ tháng 5 (STB, CTG, TCB) có thể tiếp tục nắm giữ”.