Tại buổi họp giữa UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TEDI báo cáo tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và dự án cầu Phước An kết nối 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu-Đồng Nai mới đây, TEDI đề xuất tổng mức đầu tư cho toàn dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu gần 26.000 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 6.827 tỷ đồng, xây lắp phần cao tốc 16.787 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và xây lắp tuyến nối, đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.129 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu hoạt động góp phần xóa bỏ tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 51. Nguồn: Zing |
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài toàn tuyến khoảng 77,8km, chia làm 2 thành phần: dự án thành phần 1 từ thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với chiều dài tuyến 46,8km, điểm đầu giao với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km về phía Bắc và điểm cuối kết nối nhánh đường vào cảng Cái Mép-Thị Vải.
Dự án thành phần 2 từ thị xã Phú Mỹ đến thành phố Vũng Tàu có chiều dài khoảng 31km. Điểm cuối là nút giao thông Ẹo Ông Từ thuộc phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đường cao tốc này chạy song song với Quốc Lộ 51, có cắt với 2 cao tốc khác là Cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây và cao tốc Bến Lức-Long Thành. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ là đường kết nối nhanh nhất từ Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông - vận tải về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Theo đó, Chính phủ đồng ý cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư như đề nghị của Bộ Giao thông - vận tải.
Tuyến cao tốc này đi vào sử dụng kỳ vọng sẽ giúp tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tạo sự kết nối vùng Vũng Tàu-Đồng Nai với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ, góp phần xóa bỏ tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 51.
Vũ Sơn