Ngày 18/4, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức công bố quyết định của Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long, Văn Thánh miếu Vĩnh Long hình thành từ năm 1866, là thiết chế văn hóa chính thống của triều đình Huế. Di tích này được Bộ công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991.
Một nghi thức trong Lễ Xuân đinh tại Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TL
Lễ hội Văn Thánh miếu thể hiện lòng tri ân sâu sắc của cộng đồng đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Các dịp lễ hội ở nơi đây do Hội Chấn hưng Văn Thánh miếu trước kia và sau này là Ban quản lý di tích Văn Thánh miếu cùng người dân địa phương tổ chức.
Tuy Lễ hội Văn Thánh miếu phần nào dân gian hóa, mang ảnh hưởng lễ hội đình làng nhưng cốt lõi vẫn đảm bảo tính trang nghiêm theo chuẩn mực truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng và có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa.
Đối với hát bội, đây là nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo, tiêu biểu của dân tộc, gắn liền với tín ngưỡng thờ Thần Thành Hoàng Bổn cảnh và đã ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm của nhiều thế hệ người dân Vĩnh Long.
Năm 2007, gánh hát bội Đồng Thinh của tỉnh Vĩnh Long được Bộ VHTT&DL cử đi tham gia Liên hoan Nghệ thuật dân gian thế giới tại Lễ hội Smithsonian với chủ đề “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” tại Hoa Kỳ.
Năm 2010, gánh hát bội Đồng Thinh tham gia biểu diễn giao lưu trong chương trình Trung thu 2010: Sắc màu Việt - Trung tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Trải qua nhiều thăng trầm, các thế hệ nghệ nhân hát bội ở Vĩnh Long không ngừng nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật quý báu, độc đáo này. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 8 nghệ nhân thuộc loại hình hát bội được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội có đầy đủ các tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc của địa phương, cộng đồng; không chỉ phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài mà còn là minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tương trợ mang tính cộng đồng của người dân tỉnh Vĩnh Long.
Những di sản này kết tinh của phẩm chất, cốt cách và nguồn động lực về tinh thần của người dân Vĩnh Long trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời khai hoang mở cõi đến quá trình đấu tranh, hình thành và phát triển của tỉnh.
Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh chụp ảnh cùng du khách trải nghiệm chương trình đốt đuốc xem hát bội ở đình làng Vĩnh Long. Ảnh: Homestay Út Trinh
Như vậy đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 4 di sản phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn ở huyện Trà Ôn; Nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long còn có 69 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh. Bảo tàng Vĩnh Long hiện đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật, trong đó có 1 hiện vật là Bảo vật Quốc gia.