Vinasun kiện Grab và sự bảo thủ mạo danh công lý

(NTD) - Qua vụ kiện giữa Vinasun và Grab, không khó để nhận thấy sự bảo thủ cố hữu đang muốn đè bẹp công nghệ hiện đại bằng cách mạo danh công lý. Đáng lo ngại là có thể những người ủng hộ bảo thủ ấy đã không được “tiếp cận” sự văn minh hay muốn giữ tư duy lạc hậu cho những ý đồ của họ.

Vinasun đang mượn danh công lý và số đông để kiện Grab.

Từ mạo danh công lý

Cuối tuần qua, TAND TP.HCM tiếp tục dành thêm cho Vinasun và Grab một tháng nữa để ngồi lại cùng nhau hòa giải nhằm tìm kiếm những giải pháp hài hòa giữa hai bên. “Phán quyết” trung dung này dù được cho là theo đề nghị của Grab và Vinasun đồng tình, nhưng thật ra hãng taxi Vinasun cũng không có nhiều lựa chọn khác khi mà lý do họ kiện Grab đang đuối dần.

Trong hơn một năm trời đưa Grab vào vòng kiện tụng, Vinasun tung khá nhiều lập luận cho rằng Grab vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Kinh doanh vận tải hành khách và đặc biệt là Nghị định 24 của Chính phủ cho phép thí điểm ứng dụng gọi xe hợp đồng. Không những thế họ còn cho rằng Grab trốn thuế để kêu gọi sự ủng hộ của luật pháp, cơ quan Nhà nước và cộng đồng.

Nhưng họ lại cố tình quên sự ra đời của Grab đã đem lại những tiện dụng, tiết kiệm khá lớn cho người tiêu dùng. Họ cũng lờ đi chuyện không có Grab, Uber hay các ứng xe công nghệ khác thì chính họ cùng các hãng taxi truyền thống sẽ chẳng bao giờ thay đổi dịch vụ, phục vụ hay xe cộ cho tốt hơn. Dường như họ chỉ chăm chăm muốn mượn tay công lý vốn “lúng túng” với những vụ kiện quá mới cùng sức ép của số đông để chứng minh cho sự bảo thủ của họ vẫn còn chỗ đứng.

Tuy nhiên, phía Vinasun chưa đưa ra được chứng cứ chứng minh Grab có vi phạm các quy định của Nghị định 24 về thí điểm ứng dụng gọi xe hợp đồng. Đồng thời, họ không đưa ra được mối quan hệ nhân quả với Grab trong câu chuyện thiệt hại này cũng như cách tính toán thiệt hại mà họ mạo danh công lý để tuyên truyền rộng rãi.

Nếu Vinasun cho rằng vì thực hiện thí điểm mà làm Vinasun bị thiệt hại thì tại sao không đi kiện Bộ Giao thông Vận tải bằng vụ kiện khác? Grab nếu có vi phạm thì chỉ là vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh chứ không luật nào có thể vận dụng vào đây. Việc VKSND đề nghị theo ý Vinasun nhưng tòa không thể “chiều” đã cho thấy công lý là công lý, mạo danh cách nào rồi cũng phải về đúng sự thật và công bằng.

Không chỉ vậy, Vinasun nhiều lần muốn dùng vụ Uber thua kiện ở Tây Ban Nha để làm “án lệ” trong vụ kiện của mình vì cho rằng Grab giống hệt Uber ở bất cứ đâu trên trái đất này.

Theo Vinasun và các luật sư của họ thì Grab vi phạm các quy định về quảng cáo và cạnh tranh lành mạnh; hoạt động một công ty kinh doanh vận tải, tài xế tay ngang xách xe ra chạy kiếm tiền dễ như nhặt lá vậy…!?

Có lẽ Vinasun quên mất là một trong những vấn đề ở vụ kiện Uber Tây Ban Nha là tài xế của Uber Tây Ban Nha không được cấp phép bởi bất kỳ cơ quan hành chính nào theo quy định có liên quan của Tây Ban Nha. Còn ở Việt Nam, tất cả tài xế hợp tác với Grab đều phải được cơ quan Nhà nước cho phép trước đó. Những tài xế này phải có giấy lái xe taxi (đối với GrabTaxi), hoặc là thành viên của hợp tác xã hay doanh nghiệp và có giấy đăng kiểm kinh doanh liên quan đến kinh doanh vận tải (đối với GrabCar). Còn không có, Thanh tra Giao thông phạt chạy có cờ và đó là lỗi của tài xế chạy lậu chứ đâu có phải của Grab mà kiện!

Vinasun không hiểu hay cố tình đánh tráo khái niệm vì Grab không chỉ định lái xe trong các giao dịch vận tải, mà chỉ giúp kết nối hành khách với các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo yêu cầu của từng hành khách, ứng dụng di động của Grab hỗ trợ thông báo cho tài xế gần nhất kết nối với hành khách. Tài xế có toàn quyền quyết định chấp nhận chuyến đi được đề xuất với giá cước được tính toán và khuyến nghị trên nền tảng điện tử của Grab. Còn hành khách có đi hay không thì tùy hỷ, tùy lúc, tùy nơi và Grab không phải là lựa chọn bắt buộc.

Còn cước thì Grab xác định trên cơ sở biểu phí tiêu chuẩn đề xuất của các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải. Từ cái này, Grab cung cấp giá cước đề xuất cho hành khách, thích thì đi không thích thì thôi.

Đến tư duy cần có ở Việt Nam

Chúng ta luôn khuyến khích những đứa trẻ hỏi “tại sao?” để phát triển tư duy của não bộ. Trong khi ấy, ta lại không tự hỏi chính mình tại sao không nghĩ cách quản lý taxi như Grab, mà lại cứ muốn ngược lại để cho khách hàng phải trả nhiều tiền, bất tiện và các hãng taxi cứ quanh quẩn như vậy mãi?

Không thiếu gì cách để nhận biết, quản lý và thu thuế với một công ty taxi vận hành bằng ứng dụng gọi xe. Tại sao ta cứ nghĩ rằng, taxi nhất định phải là cái chúng ta đang nghĩ trong đầu từ xưa đến nay? Tại sao cứ mặc định taxi thì phải có cái mào vừa xấu xí, thô thiển vừa tốn kém ở trên nóc xe và phải có tổng đài, chạy km nào tính tiền một giá nhất định với km đó suốt nhiều năm?

Nếu là công bằng, tại sao không thiết lập sự công bằng với cách đẩy kẻ thấp hơn vươn lên mà lại làm việc ấy bằng cách kéo một kẻ cao hơn, tiến bộ hơn ngồi thấp xuống? Ai làm nó khác đi mà hiệu quả hơn thì đó chính là phần thưởng cho người ấy và điều tốt đẹp đó cần phải được lan tỏa trong cuộc sống này.

Trong thời buổi mới, đó chính là cái công bằng nhất, cách nhanh nhất để đưa con người đi tới văn mình tiến bộ. Đừng tư duy quẩn theo lối của những người thích sự ổn định cũ kỹ. Lối nghĩ ấy đã làm cho nhiều người không thoát khỏi cách kinh doanh và làm ăn sáo mòn, dễ tổn thương và không chịu được áp lực cạnh tranh trong thời đại 4.0 này.

Cũng đừng căn cứ hay vịn vào những thứ nhân danh truyền thống hay luật pháp bất cập để vùi dập cái mới và làm lỡ đi chính cơ hội của doanh nghiệp và đất nước.

Trong kỷ nguyên công nghệ mới, với tư duy lạc hậu rất dễ biến thành “tội đồ” trong con mắt thế hệ sau bởi vô tình hay hữu ý ủng hộ một phán quyết chống lại văn minh, tiến bộ của nhân loại. Kiểu tư duy ấy làm thoái hóa chúng ta, làm cho cộng đồng sa đà vào những cuộc ăn thua hẹp hòi, ích kỷ và tủn mủn, tiến tới mất đi sự sáng tạo của não bộ.

Những người có trách nhiệm còn lưu giữ thứ tư duy cố hữu ấy trong đầu và bắt thế hệ sau phải như vậy thì chúng ta sẽ còn bị bỏ xa trong thời buổi công nghệ đổi thay và tiến nhanh từng giờ.

Không quốc gia nào muốn tụt hậu và Việt Nam chắc chắn không phải ngoại lệ, vì vậy không tạo ra được những giá trị tốt đẹp hơn cho con người thì hãy ủng hộ người khác làm. Ít ra đó cũng là một thái độ đúng đắn, hợp thời và tiến bộ…

Phan Nguyễn

 
Nên đọc