Theo tài liệu được công bố trước IPO, trong giai đoạn từ năm 2010 – 2012, tốc độ tăng trưởng tài sản của Viglacera đạt bình quân khoảng 19% một năm. Lợi nhuận tích lũy làm tăng vốn chủ sở hữu của Nhà nước lên gấp 2 lần từ năm 2009 đến 2012.
Doanh thu lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân 97% mỗi năm trong 3 năm. Do đó, tỷ trọng doanh thu lĩnh vực này tăng từ 4% lên 22% đạt 600 tỷ vào cuối 2012.
Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, các chỉ tiêu tài chính từ doanh thu, lợi nhuận, doanh thu thuần trên tổng tài sản, khả năng sinh lời… của Viglacera diễn biến không khả quan khi đều có xu hướng giảm. Trong khi đó, dư nợ vay ngắn hạn lại tăng với tốc độc bình quân 54% một năm.
Thu nhập bình quân lao động ba năm liên tiếp từ 2010 đến 2012 có xu hướng tăng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2013, con số này lại giảm nhẹ trong khi tổng số lao động bị cắt giảm hơn 200 nhân sự.
Chỉ tiêu tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Tổng công ty trong ba năm trước cổ phần hóa
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Về khả năng thanh toán, hệ số thanh toán nhanh của công ty mẹ dao động quanh mức 0,4-0,5. Tuy nhiên, nếu tính theo báo cáo tài chính hợp nhất thì chỉ số giảm xuống dưới 0,4.
Các chỉ báo về khả năng sinh lời trong giai đoạn 2010 đến 2012 cũng diễn biến theo chiều hướng giảm. Trong đó, ở công ty mẹ, năm 2012, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu giảm còn một phần ba so với 2010.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn này, các chỉ số thể hiện khả năng sinh lời còn giảm mạnh hơn.
Theo lộ trình cổ phần hóa, trong giai đoạn 2013-2014, Viglacera sẽ bán 25% cổ phần, Nhà nước giữ 75%. Tổng công ty cũng tái cấu trúc lại và rút vốn khỏi một số đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả. Trong đó, Viglacera sẽ thoái toàn bộ tại Công ty cổ phần Giấy Tây Đô (3,77% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Thủy tinh Gò Vấp (1,04% vốn), Công ty cổ phần nguyên liệu Viglacera (15% vốn).
Ngoài ra, Viglacera cũng dự định giảm tỷ lệ góp vốn tại Công ty cổ phần Tư vấn Viglacera, Viglacera Việt Trì, Viglacera Thanh Trì… Trong khi đó, tại Công ty Kính Đáp Cầu, Tổng công ty sẽ tăng vốn góp lên 300 tỷ đồng.
Dự định từ 2014-2015, Viglacera sẽ thu về khoảng 91 tỷ đồng từ việc thoái vốn ở các công ty con, liên danh, liên kết. Tuy nhiên, số vốn đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến cũng lên tới 414 tỷ đồng.
Cùng với việc tái cơ cấu vốn, sở hữu, Viglacera sẽ đẩy mạnh sang hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản. Theo kế hoạch từ 2013 -2018, Tổng công ty sẽ đầu tư trên 6.600 tỷ đồng cho 23 danh mục đầu tư. Trong đó, một số hạng mục có giá trị nghìn tỷ như Khu đô thị Đặng Xá – Gia Lâm (giai đoạn 2), Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Khu đô thị Xuân Phương… Chiến lược kinh doanh nhà ở mà Viglacera định ra trong những năm tới sẽ giảm dần các dự án thương mại để xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Luyện Công Minh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Viglacera cho biết, sau khi cổ phần hóa, đơn vị này sẽ có thêm nguồn lực về tài chính để tái cơ cấu, thực hiện triển khai một số dự án có hiệu quả cao. Dưới đây là kế hoạch kinh doanh của Viglacera sau cổ phần hóa từ năm 2014 đến 2018:
Đơn vị: Tỷ đồng
Ngọc Tuyên
Nguồn: vnexpress.net