Vietnam Airlines để mất thị phần vào tay Vietjet Air sau gần 6 năm. |
Trong gần 6 năm qua, thị trường hàng không Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn đáng chú ý từ nhân tố mới là CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air), cùng với sự chuyển đổi loại hình hàng không truyền thống sang giá rẻ.
Thua về thị phần và số lượng khách
Được thành lập vào năm 2007 và chính thức hoạt động vào cuối năm 2011 với 1 tàu bay và 2 tuyến nội địa, đến nay Vietjet Air đã có một mạng lưới 36 tuyến trải khắp Việt Nam cùng 17 tuyến quốc tế.
Có thể thấy rằng, sự phát triển của Vietjet Air là không ngừng khi chính thức đánh bật “đàn anh” Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có thị phần lớn nhất cả nước với 43% tính tới nửa đầu năm 2017. Tại thời điểm 2012, thị phần của Vietjet Air chỉ ở mức 8%, trong khi Vietnam Airlines là 70%.
Dường như Vietjet Air không bỏ lỡ bất cứ một khoảng thời gian nào trong cuộc chiến giành thị phần của mình kể từ khi mới đi vào hoạt động. Điều này đã khiến Vietnam Airlines không kịp trở tay. Vietjet Air liên tục gia tăng lượng khách từ xấp xỉ 2,5 triệu người trong 2012 lên đến 9,3 triệu người trong năm 2015, với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2012-2015 lên tới 151%/năm.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2017, Vietjet Air đã thực hiện được gần 39.100 chuyến bay, lượng khách vận chuyển đạt trên 6,5 triệu lượt, tăng 29% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượt hành khách trong 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines đạt 9,95 triệu lượt, chỉ tăng 6% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết: Việc số lượng hành khách tăng 29% so với cùng kỳ cùng với việc hãng này đã mở thêm nhiều đường bay mới đã giúp Vietjet Air giành được phần lớn lượng hành khách gia tăng. Sự chênh lệch này cũng cho thấy Vietnam Airlines tiếp tục mất thị phần vào tay Vietjet Air trong 6 tháng đầu năm. HSC ước tính trong 6 tháng đầu năm, thị phần của Vietnam Airlines là khoảng 42% và của Vietjet Air là khoảng 43%.
Điều này biến những dự đoán của các chuyên gia trong ngành trước đó về việc Vietjet Air có thể sẽ vượt Vietnam Airlines về thị phần bay nội địa trong năm nay sớm hơn dự tính.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân đã đặt các doanh nghiệp Nhà nước vào trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, đòi hỏi phải tái cơ cấu để minh bạch hơn, quản trị tốt hơn và kinh doanh hiệu quả hơn.
...lẫn trên sàn chứng khoán
Cũng nhanh như tốc độ gia tăng thị phần, cổ phiếu VJC của Vietjet Air được săn đón ào ào và tăng liên tục kể từ khi mới lên sàn. Vào cuối tháng 2 vừa qua, VJC đã chính thức lên sàn HOSE với giá khởi điểm cao ngất 90.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch giá cổ phiếu đạt mức 108.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm này, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tại sàn UpCoM chỉ ở mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 3 lần giá của VJC.
Không những thế, giá cổ phiếu của VJC ngày càng tăng lên trong khi HVN lại giảm mạnh. Theo giá ngày 19/7, cổ phiếu VJC đang đạt mức 128.100 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 lần so với giá của HVN (26.400 đồng/cổ phiếu). Điều này đã giúp giá trị vốn hóa của Vietjet Air vượt giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines với mức lần lượt là 41.297 tỷ đồng và HVN là 32.406 tỷ đồng.
Vietjet Air đã chứng tỏ “tuổi trẻ tài cao” so với “đàn anh” đã lớn tuổi của mình là sau khi lên sàn, hãng này đã lên tiếng mong muốn đưa cổ phiếu VJC niêm yết trên sàn nước ngoài, bằng cách đề xuất nới room từ 30% lên 49% trong ĐHCĐ thường niên năm 2017 vừa qua. Đây là một động thái giúp thu hút nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào VJC.
Được biết, nhóm các cổ đông lớn đang nắm giữ đến 47,33% cổ phần Vietjet Air bao gồm: Sunny Hướng Dương (23,24%); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,24%); GIC (5,48%); Sovico (4,90%); và HD Bank (4,47%).
Đối với Vietnam Airlines, Nhà nước vẫn nắm giữ 86,16% vốn, tương đương hơn 1.000 triệu cổ phiếu. Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc nắm giữ 8,77% vốn điều lệ, Techcombank nắm giữ 2,08% và Vietcombank sở hữu 1,83%. Ngoài ra, các cổ đông khác nắm giữ 13,4 triệu cổ phiếu, tương đương 1,09% vốn điều lệ. Việc Nhà nước nắm giữ hầu hết phần vốn tại Vietnam Airlines là “rào cản” cho việc nhà đầu tư muốn tiếp cận HVN.
Không phải Vietnam Airlines “cố hữu” với chiến lược hoạt động kinh doanh đã lâu của mình, trước đó, Vietnam Airlines cũng đã ký kết với Qantas - hãng hàng không quốc gia của Úc, để thành lập liên doanh nhằm vận hành Jetstar Pacific, một hãng hàng không giá rẻ (LCC) chủ yếu bay các tuyến nội địa và đến một số nước trong khu vực. Thế nhưng, Jetstar Pacific chẳng mấy thành công so với các công ty hàng không mới khởi nghiệp.
Theo nhận định của VinaCapital, mặc dù Vietnam Airlines đang gặp phải một số vấn đề gắn liền với tính chất của một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng họ có khả năng là cầu thủ quốc tế quan trọng cũng như đã tăng cường các sản phẩm và dịch vụ, một phần để cạnh tranh với VietJet. VinaCapital cũng kỳ vọng việc Vietnam Airlines vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ANA (All Nippon Airways - Hãng Hàng không giá rẻ của Nhật Bản - NV) sẽ mang lại nhiều lợi thế to lớn cho hãng.
Tuy nhiên, dù cho có nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới của Vietnam Airlines trong thời gian tới, nhưng sự thật các nhà đầu tư thấy rõ rằng hãng này đã chính thức để mất thị phần chỉ sau gần 6 năm. Trong tương lai, điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất là Vietnam Airlines sẽ làm gì để giành lại thị phần?
Ánh Hoa