Viết tiếp bài “Đừng vơ đũa cả nắm khi công bố dự án thế chấp ngân hàng”: Giới địa ốc Sài Gòn và người mua như ngồi trên đống lửa

(NTD) - Báo Người Tiêu Dùng số 248 có bài viết “Đừng vơ đũa cả nắm khi công bố dự án thế chấp ngân hàng". Đây là vấn đề “nóng” khiến cả khách hàng lẫn chủ đầu tư băn khoăn lo lắng. Người mua nhà có thể nắm bắt và biết được thị trường bị tác động đến đâu và mua dự án đã bị thế chấp ở ngân hàng làm sao để không bị “tiền mất tật mang”?

Giao dịch giảm

  Nhiều bạn đọc đã tiếp tục gọi về đường dây nóng của Báo Người Tiêu Dùng để bày tỏ sự lo lắng. Một khách hàng đã mua căn hộ tại dự án đang thế chấp cho biết: “Khi nghe thông tin ngôi nhà mình mua đã bị chủ đầu tư thế chấp trong ngân hàng, cả gia đình tôi mất ăn mất ngủ suốt mấy hôm nay. Tôi có gọi cho chủ đầu tư thì họ bảo không sao, chúng tôi sẽ sớm cấp sổ hồng cho căn hộ của bạn”.

  Thậm chí, không ít khách hàng mua căn hộ ở những dự án hình thành trong tương lai bị thế chấp muốn gặp ngay chủ đầu tư để thanh lý hợp đồng vì sợ “tiền mất tật mang”.

  Ghi nhận của Báo Người Tiêu Dùng tại các sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM số lượng giao dịch giảm đi đáng kể. Con số từ 30-40 giao dịch thành công một tháng chỉ còn lại 10-15 giao dịch thành công đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh địa ốc rơi vào cảnh khó khăn. Chia sẻ với phóng viên, một giám đốc sàn tại khu vực phía Nam TP.HCM cho biết: “Thông tin 77 dự án thế chấp khiến thị trường khá hỗn loạn, khách hàng bây giờ tới tìm hiểu dự án, họ ngay lập tức đề nghị môi giới cung cấp việc dự án có hay không cầm ngân hàng, rồi mới tới tư vấn những thứ tiếp theo về tiện ích hay giá cả”.

  Trong khi đó, trò chuyện với nhiều môi giới, họ thừa nhận, việc bán hàng lúc này đều bị khách hàng truy dự án có thế chấp ngân hàng hay không, đây là tình huống mà môi giới chưa bao giờ gặp nên điểm chung là đều bối rối. Một môi giới tên Tuấn chia sẻ: “Thông thường môi giới chỉ nắm rõ thông tin về sản phẩm, chính sách bán hàng, còn pháp lý thì đa phần phải nhờ cấp quản lý giải thích cho khách hàng, cho nên những dạng phát sinh này chỉ còn cách xin hẹn khách hàng lên công ty để sếp trả lời”.

Đối với những dự án không được tổ chức tín dụng giải ngân để tiếp tục triển khai dự án thì người tiêu dùng chắc chắn gặp rủi ro.

Có nên mua những dự án thế chấp?

  Để giúp người tiêu dùng lấy lại sự tin tưởng và hiểu rõ hơn việc như thế nào về các dự án đang bị thế chấp, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM cùng các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã có những phân tích sâu và rõ hơn đối với các dự án này.

  Theo lý giải của ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, 77 dự án mà Sở vừa công bố là những dự án đã có thông báo của Sở Xây dựng đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh, bán hoặc cho thuê nhà. Đối với các dự án đang thế chấp ngân hàng, nhưng chưa đến giai đoạn huy động vốn, thì Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ không công bố để bảo đảm bí mật kinh doanh cho nhà đầu tư. Như vậy, có thể hiểu các dự án đang thế chấp ngân hàng là đã được thẩm duyệt đủ điều kiện để tới tay khách hàng.

  Cùng quan điểm, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đánh giá, rất khó xác định dự án đã thế chấp ngân hàng là dự án tốt hay không tốt. Bởi còn nhiều điều phải thẩm định liên quan đến một dự án nhà ở, không phải chỉ phụ thuộc vào tiêu chí đang thế chấp nhà băng. Tuy nhiên, những dự án vẫn được ngân hàng cấp vốn thì tạm hiểu là ở nhóm tốt, còn đối với những dự án không được tổ chức tín dụng cho vay nữa thì cần phải xem lại.

  Đối với doanh nghiệp, nhận định của ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, khách hàng cần hiểu rõ đây là những dự án đủ điều kiện vay vốn thế chấp dự án theo đúng quy định pháp luật và cũng đủ điều kiện bán hàng. Nghĩa là các dự án này khách hàng có thể yên tâm về việc minh bạch pháp lý.

  Theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp là việc bình thường. Tuy nhiên, người tiêu dùng cảnh giác là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi sự việc tại The Harmona vẫn còn là bài học nóng hổi khi chủ đầu tư cắm dự án ngân hàng đã bán cho người dân và bàn giao nhà nhưng không tiến hành giải chấp điều này dẫn tới sự cố ngân hàng “dọa” đuổi dân ra khỏi nhà. Do vậy, việc công bố thông tin dự án thế chấp ngân hàng là hoàn toàn hợp lý, còn đối với người tiêu dùng, trước khi xuống tiền ngoài việc cần hiểu rõ bản chất của dự án cầm ngân hàng thì cần phải xem xét những pháp lý cần thiết như: Giấy phép xây dựng, văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn, chứng thư bảo lãnh... để tránh những rủi ro đáng tiếc về sau.

Môi giới sẽ phải vất vả hơn trong việc giúp người tiêu dùng hiểu rõ bản chất của dự án

 Nguyên Vũ