Việt Nam sẽ soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo?

(NTD) - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas nhận định: Thái Lan có nguy cơ bị mất vị trí thứ hai các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và vị trí này sẽ về tay Việt Nam. Cơ sở để đưa ra nhận định này là bối cảnh thị trường xuất khẩu cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí sản xuất lúa gạo tại Thái Lan cao hơn so với Việt Nam, tỷ giá đồng baht biến động và đặc biệt là tình trạng hạn hán đang lan rộng...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2020, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 653.400 tấn gạo, với tổng giá trị đạt gần 303,2 triệu USD, tăng 32,98% về khối lượng và tăng 39,77% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ước khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.700 tấn, với tổng trị giá đạt hơn 409,7 triệu USD.

Thiên thời, địa lợi...

Cuối tháng 2/2020, nông dân khu vực ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy có chịu tác động ít nhiều từ hạn mặn đến sớm, nhưng phần lớn nông dân vẫn trúng mùa, giá lúa đã tăng lên so với đầu vụ. Tại huyện Long Mỹ ở Hậu Giang, giá lúa bán liền cho thương lái tại ruộng đang cao hơn khoảng 300 đồng/kg so với đầu vụ, đạt 5.000 đồng/kg.

“Nhà tui có khoảng 15 công lúa (1,5ha), đạt năng suất khoảng 7,2 tấn/ha, vừa thu hoạch xong, bán liền cho thương lái tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg, với mức giá này phải nói là chúng tôi cũng khá phấn khởi” - ông Nguyễn Quý Hòa, nông dân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Hậu Giang, nói giá lúa đã tăng mạnh vào vụ thu hoạch rộ. Cụ thể, nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu thu mua lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg. Riêng giống RVT 6.000-6.100 đồng/kg. Đặc biệt, giống ST24 lên đến 7.100 đồng/kg. Điều phấn khởi hơn là năng suất lúa của nông dân trong vụ này cũng khá tốt, ước đạt 7,3-7,5 tấn/ha.

Thống kê của Cục trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNT cho thấy: Hiện nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 750.000ha trên tổng diện tích 1,5 triệu ha lúa đông xuân, năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha, tức tương đương khoảng 5 triệu tấn lúa.

Dù một số vùng ven biển bị thiệt hại ít nhiều do hạn mặn gây ra, nhưng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các tỉnh trong vùng chủ động triển khai nhiều biện pháp nên đã hạn chế rất lớn thiệt hại (tổng thiệt hại đối với sản xuất lúa trong vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 là khoảng 32.000ha, bằng 7,3% so với thiệt hại năm 2015-2016).

“Việc nông dân tranh thủ xuống giống đầu vụ sớm để né hạn, tránh mặn đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, việc các địa phương hoàn thành sớm nhiều dự án ngăn mặn trọng điểm và hoạt động kịp thời đã bảo vệ được diện tích sản xuất lúa” - ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay.

Khảo sát tại một số tỉnh như Long An, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh... hiện giá lúa thu mua tại ruộng của các doanh nghiệp dao động từ 4.500-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg. Còn giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp dao động từ 5.400 6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân khoảng 1.000 đồng/kg.

Tình hình người nông dân trồng lúa ở vựa lúa ĐBSCL - “vựa lúa” lớn nhất cả nước đang “được mùa, được giá”, khiến cho kỳ vọng sản lượng xuất khẩu lúa gạo năm nay của Việt Nam vượt qua Thái Lan, đang càng khả thi hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh tỷ giá đồng baht Thái biến động và tình trạng hạn hán đang lan rộng ở Thái Lan khiến quốc gia này đang đối mặt với việc giảm sản lượng, khả năng cạnh tranh do giá thành cao; các giống gạo mới tại Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng hạt dài đang được nhiều thị trường ưa chuộng...

Triển lãm lúa gạo ngon tại Cần Thơ.

Cơ hội với lúa gạo Việt Nam ở đâu?

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2020, bức tranh xuất khẩu gạo nước ta sẽ khởi sắc với nhiều cơ hội lớn. Trong đó không thể không kể đến cơ hội đa dạng hóa thị trường, gia tăng thị phần tại EU thông qua Hiệp định EVFTA. Bên cạnh thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số ít mặt hàng có xuất xứ từ bên kia, trong đó có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam... Đây là cơ hội để nhiều loại gạo của Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ vào được thị trường này.

“Trước đây, nhiều mặt hàng gạo xuất sang thị trường EU phải chịu thuế nhập khẩu từ 5-45%, thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế lên tới 100%. Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, sẽ mở hạn ngạch khoảng 40.000 tấn gạo (trong tổng số 85.000 tấn theo hạn ngạch như cam kết), nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch mà EU cấp thì kim ngạch xuất khẩu sẽ gia tăng mạnh” - ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết.

Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản giữa Hàn Quốc và đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan... Theo đó, từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết dự báo sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang các nước thành viên của CPTPP.

Không cần vị trí cao, chỉ cần giá cao

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu là có, song khó khăn với ngành lúa gạo vẫn chưa kết thúc khi trước mắt, tình trạng hạn mặn xảy ra tại khu vực ĐBSCL đã và đang tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất lúa gạo Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu gạo, nhất là sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Riêng thị trường EU vốn “khó tính” nên nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ hội sẽ rất khó. Bên cạnh đó, thị trường Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam những năm gần đây, mới đây đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung để đáp ứng, nếu không muốn mất đi thị trường này.

Ở góc độ chuyên môn, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ thêm, ngành gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu, bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh.

“Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25 cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường. Hiệu ứng từ gạo ST25 đã khiến loại gạo ST24 của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được quan tâm, tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo giá thành được đẩy giá lên rất cao từ 22.000 đồng/kg lên 34.000-35.000 đồng/kg. Chính vì thế, doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới, cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao, thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp” - ông Nam nói.

Đồng quan điểm, PGS. TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) bày tỏ quan điểm, đã qua thời Việt Nam chạy theo số lượng gạo xuất khẩu.

“Việt Nam không cần phải soán ngôi thứ nhất, thứ hai về xuất khẩu gạo làm gì. Chúng ta có thể đứng thứ 4, thứ 5 về lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, nhưng quan trọng là gạo của chúng ta có chất lượng và bán được với giá cao. Đó mới là mục tiêu cuối cùng mà ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay cần hướng tới” - ông Chín nói.

Bá Lâm

Nên đọc