Với tiềm năng đông dân số và nhu cầu tiêu dùng tương đồng với Việt Nam, Ấn Độ sẽ là thị trường tiềm năng cần được quan tâm. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Nam Á với dân số lên tới 1,4 tỷ người, rất có tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như trái cây tươi và chế biến, chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc...
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 2,453 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,398 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 1,055 tỷ USD.
"Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 12,02 triệu USD, hạt tiêu đạt 10,36 triệu USD, thủy sản 5,16 triệu USD, hạt điều 4,86 triệu USD, cao su 21,67 triệu USD…", đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Hiện nay người dân và doanh nghiệp Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của Việt Nam như cá tra, cá basa, hạt tiêu, điều…
Cần đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản là đặc sản của Việt Nam đến thị trường Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Đồng thời nhiều sản phẩm của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Ấn Độ như cà phê, chè, ca cao, gia vị, gạo, đường, nước dừa, bánh quy, thanh long, sản phẩm chế biến từ quả me…
Ấn Độ là quốc gia sử dụng gia vị nhiều vào loại bậc nhất thế giới sẽ là cơ hội cho các loại quả, hạt của ngành nông nghiệp Việt Nam nếu biết cách xây dựng và quảng bá hình ảnh.
Phía Ấn Độ cũng là quốc gia sử dụng gạo là thực phẩm chính nên việc đầu tư chất lượng gạo để xuất khẩu vào thị trường này cũng là mục tiêu cần nhắm đến của ngành nông nghiệp.
Nguyễn Ngọc