Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, trả lời câu hỏi về vấn đề giải ngân đầu tư công, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB khẳng định, ADB là đối tác cho vay lâu dài của Việt Nam, trong đó phần lớn sử dụng trong việc đầu tư công.
Trong bối cảnh dịch bệnh, sự đi xuống của kinh tế toàn cầu khiến đầu tư tư nhân bị giảm mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp “khôn ngoan” khi thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Vẫn còn nhiều thách thức khi tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng do các khâu triển khai dự án như đánh giá tác động, giải phóng mặt bằng, một số việc gặp khó khăn hơn khi có dịch bệnh… nhưng tiến độ giải ngân năm nay vẫn cao hơn so với một số năm vừa qua.
“ADB cam kết sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam để triển khai hiệu quả hơn các dự án đầu tư công hiệu quả hơn trong tương lai”, ông Andrew Jeffries nói.
Phân tích về đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định, sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại.
Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế và các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn.
Việt Nam cần thay đổi cách thức cạnh tranh thu hút đầu tư, không dựa nhiều vào ưu đãi, chi phí thấp như trước mà cần dựa nhiều vào chất lượng, tạo ra hiệu quả về chất lượng, năng suất lao động, logistics.
Vy Vy