Tại Diễn đàn, theo ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch VCCI cho biết: có thể nói quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Turkmenistan phát triển tốt đẹp trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn so với tiềm năng. Turkmenistan là nước giàu về khí thiên nhiên, đứng thứ tư trên thế giới. Ngoài khí thiên nhiên, Turkmenistan có thế mạnh về bông, vải, thảm các loại.
Cũng theo ông Nghĩa, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng cũng như các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, thủy hải sản... cũng có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Turkmenistan. Hơn thế nữa Việt Nam có kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình kinh tế và đã đạt được những thành công. Đây cũng là một nhân tố cho thấy 2 nền kinh tế, mà cụ thể là 2 cộng đồng doanh nghiệp có động lực trong việc hợp tác cùng phát triển. Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là cơ hội tốt và cần được tận dụng bởi doanh nghiệp hai bên để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Turkmenistan năm 2021 đạt 0,56 triệu USD (giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Turkmenistan đạt 0,46 triệu USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu từ Turkmenistan về Việt Nam đạt 0,1 triệu USD, giảm 76,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Diễn đàn ông Lã Mạnh Thắng – đại diện Bộ công thương nhận định: qua số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam có thể nhận thấy: số liệu thương mại hiện nay chưa phản ánh được tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại. Turkmenistan là nước có trữ lượng khí thiên nhiên đứng thứ tư trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng mà phía Turkmenistan có thể có nhu cầu như hàng điện tử, dệt may, da giầy, các mặt hàng nông lâm thủy hải sản…
Thực tế trong thời gian vừa qua có rất ít hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức giữa Việt Nam – Turkmenistan, do cộng động doanh nghiệp hai nước còn ít có hiểu biết về thị trường của nhau, hoạt động vận chuyển hàng hóa, thanh toán còn nhiều khó khăn, sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực,... Do đó để góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Turkmenistan trong thời gian tới, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương có một số kiến nghị như sau:
Tiếp tục phối hợp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để hỗ trợ cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương: Tiến hành ký kết các hiệp định trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, động vật, công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm,...
Các cơ quan hữu quan của hai Bên (Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các đối tác Turkmenistan) tăng cường trao đổi thông tin về thị trường, doanh nghiệp, hàng hóa, cơ hội hợp tác kinh doanh - đầu tư song phương để cung cấp cho các doanh nghiệp hai nước.
Nghiên cứu khả năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí.
Xem xét tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát thị trường, tham dự các Hội chợ chuyên ngành tại Turkmenistan để giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Nghiên cứu việc thành lập xí nghiệp liên doanh giữa hai Bên trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm đạo hồi, hải sản, đồ hộp, nước hoa quả ép, hàng điện tử, dệt may … để bán cho thị trường các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu và khu vực SNG.